Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tết Nguyên tiêu (hay còn gọi Tết Thượng nguyên, ngày 15 tháng Giêng AL) là một ngày lễ có lịch sử lâu đời với người dân Trung Quốc. Trao đổi với Tân Hoa Xã, Thường Tự Tân - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Dân gian Sơn Tây (Trung Quốc) cho biết cả Đạo giáo và Phật giáo đều có cách giải thích về Tết Nguyên tiêu.
Theo Đạo giáo, đây là ngày hạ sinh của Thượng nguyên Thiên Quan Đại đế - là vị thần ban phúc lành nên còn được gọi là Tết Thượng nguyên với các hoạt động thường được diễn ra như đốt đèn lồng, pháo hoa, ăn bánh trôi tàu…
Vào ngày này, dù là đường lớn hay ngõ hẻm đều được trang hoàng bởi đủ loại đèn lồng màu sắc rực rỡ. Khắp nơi đều tổ chức những hoạt động vui chơi như câu đố đèn lồng, thả hoa đăng, ca hát, nhảy múa, biểu diễn xiếc… vô cùng rộn ràng.
Dưới thời nhà Đường, nhiều hoàng đế thích tham gia Lễ hội đèn lồng và sẵn sàng ra ngoài cung. Đường Trung Tông vào năm Cảnh Long thứ 4 (năm 710) đã cùng hoàng hậu xuất cung để xem đèn lồng. Thậm chí, các cung nữ dưới thời Đường cũng có thể được phép ra đường vào dịp này.
Không chỉ vậy, các triều đại Trung Quốc xưa kia đều quy định giờ giới nghiêm để đóng cửa thành cũng như việc người dân không thể ra ngoài vào ban đêm… Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên tiêu, quan phủ sẽ lệnh mở cổng thành và nới lỏng lệnh cấm trong ba đêm và cho phép bách tính vui chơi, tiệc tùng suốt đêm.
Trong "Võ Lâm cố truyện" ghi lại hoàn cảnh tượng tại Lâm An - kinh đô thời Nam Tống trong Tết Nguyên tiêu: "Nam thanh nữ tú đất kinh thành khoác trên mình lụa là gấm vóc đẹp như mây, chẳng phân ngày đêm, không khắc nào thôi náo nhiệt."
Một truyền thuyết khác liên quan đến Phật giáo tại Trung Quốc, vào thời Đông Hán Minh Đế, triều đình kêu gọi dân chúng thắp đèn lồng để tỏ lòng thành kính với Đức Phật nên còn gọi là "Lễ hội đèn lồng".
Trong chùa, các sư tăng sẽ dâng đèn lồng vào ngày Rằm hàng tháng, riêng vào "Lễ hội đèn lồng" là ngày Rằm đầu tiên trong năm nên sẽ được tổ chức trang trọng hơn. Đèn lồng tượng trưng cho ánh sáng và trí huệ nên đốt đèn lồng cũng là tượng trưng cho Đức Phật và thể hiện sự tôn kính với Ngài.
Ngoài ra, Thường Tự Tân cũng cho biết, Tết Nguyên tiêu còn có thể coi là ngày lễ tình nhân ở Trung Quốc thời cổ đại. Ngày này thường xuất hiện nhiều trong thi ca, điển tích điển cố liên quan đến các đôi tình nhân từ thời xa xưa.
Vào thời phong kiến, do quy định khắt khe của lễ giáo, các cô gái thường rất ít khi được ra khỏi nhà cũng như tiếp xúc với người khác giới. Và Tết Nguyên tiêu chính là một trong số những ngày hiếm hoi họ có thể tự do vui chơi, ngắm đèn lồng rực rỡ khắp phố phường và cũng là thời điểm thích hợp để các "tài tử giai nhân" có cơ hội gặp gỡ, bày tỏ tình cảm.
Trong các điển tích xa xưa có vô số câu chuyện về việc tình cờ gặp gỡ hay các đôi tình nhân hẹn hò trong Tết Nguyên tiêu.
Ví như trong điển tích "Gương vỡ lại lành" là câu chuyện tình của người hầu cận Thái tử Từ Đức Ngôn và Nhạc Xương công chúa. Khi ấy chiến tranh loạn lạc, hai người buộc phải chia lìa nên đã mua một chiếc gương bẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa và hẹn đến Tết Nguyên tiêu sẽ đem mảnh gương này đến kinh thành bán để tìm lại nhau. Cuối cùng, cả hai đã đoàn tụ và bên nhau đến đầu bạc răng long.
Trong nhiều bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc hiện nay, cũng không khó để bắt gặp cảnh tượng các cặp đôi hẹn hò vào Tết Nguyên tiêu.
Dù nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu không nhằm mục đích gắn kết tình cảm của các cặp đôi nhưng có thể thấy từ góc độ phong tục, các hoạt động trong ngày lễ thì Tết Nguyên tiêu mang nhiều điểm tương đồng với lễ tình nhân hơn ngày Thất tịch trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Trong suy nghĩ của nhiều người, ngày Thất tịch (7/7 âm lịch) hàng năm là "Lễ tình nhân" của người Trung Quốc xưa kia. Tuy nhiên, trong văn hoá truyền thống Trung Hoa, ngày này thực sự không liên quan nhiều đến tình yêu.
Ngày Thất tịch xuất hiện từ thời nhà Hán và nguồn gốc của nó cũng bắt nguồn từ truyền thuyết về Ngưu Lang - Chức Nữ. Tuy nhiên, người Trung Quốc xưa kia vào ngày này không chú trọng đến yếu tố tình yêu nam nữ như nhiều người vẫn quan niệm.
Đây sẽ là ngày những thiếu nữ chưa chồng cùng nhau đi chơi theo nhóm, cầu xin sự thông minh, khéo léo dưới ánh sáng của chòm sao Chức Nữ và tổ chức những cuộc thi thể hiện nữ công gia chánh như thêu thùa, may vá, nấu nướng… Đây chính xác là lễ hội dành cho các cô gái hơn là ngày dành cho các cặp tình nhân.
Tuy đến thời điểm hiện tại, do những thay đổi về quan niệm nên hoạt động trong các ngày lễ này cũng dần trở nên khác biệt với trước kia nhưng Tết Nguyên tiêu vẫn là dịp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi và là một trong những ngày lễ lớn trong dịp đầu năm tại đất nước tỷ dân.
"Phong tục tổ chức "Lễ hội đèn lồng" và ngắm đèn lồng truyền thống vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay như một lời chúc tốt đẹp và mang đến phước lành cho mọi người trong năm mới." - Thường Tự Tân cho hay
Vui lòng nhập nội dung bình luận.