TP. Hồ Chí Minh: “Nhức đầu” quy hoạch đất nông nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 13/07/2017 06:35 AM (GMT+7)
Diện tích đất nông nghiệp giảm dần là nguy cơ đã nhìn thấy trước. Đây cũng là bài toán TP.HCM phải khẩn trương giải quyết để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Còn nhiều đất hoang

Theo ông Nguyễn Tấn Tuyến - Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM, quy hoạch là một trong những nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến sản xuất. “Vì hộ nông dân không thể tự quy hoạch được số lượng và diện tích nuôi trồng cho phù hợp với thị trường, nên vẫn tự quyết định loại cây trồng vật nuôi và đang gặp khó trong tiêu thụ” - ông Tuyến nói.

img

TP.HCM đang tập trung chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp năng suất thấp như lúa,  muối sang các cây trồng, vật nuôi năng suất cao hơn.  Ảnh: N.V

TP.HCM có 115.000ha đất nông nghiệp nhưng có khoảng 35.000ha không được “đụng tới” để sản xuất, đó là rừng phòng hộ Cần Giờ. Theo ông Nguyễn Phước Trung: “Đất nông nghiệp có giảm nhưng vẫn cố gắng giữ 40% diện tích phát triển “lá phổi xanh” và nhiều chức năng khác cho thành phố. Con số này sẽ còn phù hợp cho đến giai đoạn 2020 – 2025”. 

Đơn cử như ở Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Huyện ủy tỏ ra trăn trở với con số 350ha trong quy hoạch đất lúa ở xã Tân Nhựt vì năng suất thấp. Hay như ở Cần Giờ, việc sản xuất muối vẫn đang hết sức bấp bênh dù năm nay Sở NNPTNT đang tạm ngừng hỗ trợ lãi suất. 

Nhiều diện tích đất cũng chưa phát huy hết hiệu quả kể cả đã được phê duyệt. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nêu trường hợp ngay tại địa phương, khi 5.600ha thuộc 10 phân khu khu ven sông Sài Gòn được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2015. “Nhưng đến nay, sự tham gia của ngành nông nghiệp đến khu vực này chưa rõ ràng, nên huyện chưa triển khai trồng trọt hay làm du lịch” - ông Phú nói.

Nhìn trên tổng thể, cơ cấu kinh tế thành phố đang chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và sau cùng là nông nghiệp. 3 thành phần đầu tiên sử dụng khoảng 7% diện tích đất của thành phố, đóng góp 99,3% GRDP. Ngược lại, nông nghiệp chiếm 0,7% GRDP lại đang sử dụng đến khoảng 45% diện tích đất.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - cán bộ Hội Chữ thập Đỏ thành phố cho rằng cần quan tâm sử dụng hợp lý đất nông nghiệp: “Vì thu nhập của nông dân ở nhiều nơi chưa đáp ứng được mức sống ở một đô thị lớn, sản xuất không đủ quy mô để tạo ra lợi nhuận, nên không ít con em nông dân đã bỏ ruộng vườn vào xí nghiệp. Ở đây có vai trò của cơ quan quản lý”.

Khẩn trương quy hoạch

Thừa nhận đất hoang còn nhiều ở ngoại thành là một thực trạng khó giải quyết, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT nêu trường hợp đất nuôi trồng thủy sản ở huyện Nhà Bè. Huyện này có 1.186ha đất nuôi trồng thủy sản, nhưng đến năm 2016, diện tích nuôi trồng chỉ còn 378ha. Hoặc tại huyện Cần Giờ, trong 130ha đất được đề xuất hỗ trợ chuyển đổi thì tới 70% là người dân thành phố xuống mua rồi để trống.

“Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng của ngành, thậm chí gia tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích, là bài toán không chỉ với bà con nông dân mà còn của ngành nông nghiệp, của cả thành phố” - ông Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh.

Từ năm 2016, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở NNPTNT thành lập hội đồng điều chỉnh quy hoạch lại diện tích sản xuất nông nghiệp TP.HCM đến năm 2030. Báo cáo điều chỉnh, bổ sung đã được đệ trình UBND TP theo 2 hướng: Vùng nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp nói chung.

Theo ông Trung, Chính phủ đã cho phép TP.HCM chuyển đổi quy hoạch sử dụng khoảng 15.000ha đất lúa đến năm 2020. Vấn đề này các quận, huyện cần hết sức tăng cường thực hiện. Nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp là hướng đi quan trọng thứ hai mà TP đang hướng tới thông qua tăng cường chuyển giao cho nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên 8 nhóm sản phẩm chủ lực mà thành phố sắp triển khai. 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Phải nhìn cái chung!

Nông nghiệp vẫn là ngành mà thành phố tiếp tục quan tâm và đầu tư. Diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp là khả năng đã thấy trước, còn thu hẹp đến mức nào vẫn còn tùy thuộc theo quy hoạch chung của thành phố. Việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa hoặc làm muối năng suất thấp cũng phải căn cứ vào quy hoạch chuyển đổi chung. Ngoài việc gắn liền trách nhiệm của chính quyền địa phương, thì Sở NNPTNT cần nâng cao hơn nữa vai trò của nhà tổ chức sản xuất.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP.HCM:

Sẽ giảm mạnh đất lúa!

Năm 2015, diện tích đất nông nghiệp là 115.000ha, trong đó diện tích lúa 18.000ha. Đến năm 2020, quy hoạch sẽ giảm chỉ còn 3.000ha lúa. Tính bình quân 1ha đất nông nghiệp hiện đạt giá trị sản xuất 400 triệu đồng. Phần còn lại nếu được chuyển đổi thì giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ rất cao, lên khoảng 6.000 tỷ đồng.

Dù tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố sẽ giảm dần nhưng vẫn phải cố gắng duy trì tốc độ tăng của ngành này. Việc chuyển đổi diện tích năng suất thấp thì phải có quy trình; diện tích nào do Hội đồng nhân dân cho ý kiến, diện tích nào do Chính phủ có ý kiến, phải được tiến hành khẩn trương.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP.HCM:

Nông dân vẫn tự lo...

Sự hợp lý của quy hoạch đất nông nghiệp liên quan đến nhiều vấn đề: Thành phố còn bao nhiêu đất nông nghiệp, triển khai quy hoạch này đến các địa phương thì nông dân có hưởng ứng hay không, thực hiện như thế nào?

Thực tế ở nhiều vùng ngoại thành, người dân vẫn đang tự ứng phó với chính mình, nay trồng cây này mai lại chặt để trồng cây khác. Các sở ngành liên quan, nhất là Sở NNPTNT cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và có các biện pháp cụ thể để giúp nông dân trong các chương trình này.

N.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem