Tại hội nghị bàn các giải pháp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng của UBND TP.HCM hôm 30/7, trước vấn đề nóng trong lĩnh vực vi phạm xây dựng, Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Thành Phong đã có ý kiến giao Sở Tư pháp TP đề xuất các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như: Không cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm; Chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Xử lý hình sự các vi phạm về trật tự xây dựng…
Trong đó, biện pháp chưa cho xuất cảnh những cá nhân đại diện theo pháp luật vi phạm trong lĩnh vực xây dựng được đưa ra đã gây nhiều tranh cãi. Chỉ đạo này của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong có cơ sở pháp lý hay không và nếu cấm xuất cảnh, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực xây dựng có vi phạm các quy định trong Hiến pháp và pháp luật không? Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Luật sư Toàn nêu quan điểm: “Vi phạm về trật tự trong xây dựng trước ngày 15/1/2018 thì áp dụng xử phạt theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP, còn sau ngày 15/1/2018 thì áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP, với các hình thức xử phạt từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các biện pháp khắc phục, cưỡng chế kèm theo. Ngoài mức phạt trên, đơn vị vi phạm phải nộp số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng không phép theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đối với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nếu đặc biệt và đủ căn cứ thì bị xử lý hình sự theo Điều 298 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nếu phi phạm tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 20 năm.
Sau khi phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đề xuất mới - áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh cá nhân vi phạm là một đề xuất trái với pháp luật hiện hành, vi hiến và không phù hợp. Vì, trong lịch sử lập pháp quốc tế, quyền tự do đi lại và cư trú đã được quy định trong nhiều văn kiện, công ước".
Nhiều căn nhà kiên cố xây dựng trái phép ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh.
Tại Việt Nam, Quyền tự do đi lại, cư trú của công dân được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong đó Điều 23 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về miễn thị thực cho công dân với các nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định biên giới với các nước láng giềng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước qua lại.
Việt Nam là thành viên tích cực tham gia diễn đàn Á – Âu (ASEM) về quản lý dòng di cư; chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) tạo điều kiện cho doanh nhân APEC nhập xuất cảnh vì mục đích đầu tư, thương mại, dịch vụ trong khối.
"Vì vậy, với đề xuất áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh cá nhân vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng mà đang bị xử phạt hành chính của TP.HCM là trái với các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và không thể thực hiện được trên thực tế”, Luật sư Ahh Toàn nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.