TP.HCM chú trọng phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Quang Sung Thứ năm, ngày 17/11/2022 14:17 PM (GMT+7)
Lĩnh vực chăn nuôi nằm trong chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM. UBND thành phố đã đưa ra định hướng phát triển giai đoạn 2019-2025 cho các ngành chăn nuôi, gồm: bò thịt, bò sữa, heo, chim yến, thủy sản.
Bình luận 0

Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của UBND TP.HCM đã định hướng phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời duy trì và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có quy mô lớn, theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, chăn nuôi theo hướng GAP.

Hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng tại các cơ sở chăn nuôi. Tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch và bảo vệ môi trường. Hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, ổn định lâu dài, nâng cao năng suất và chất lượng sữa bò, giống heo, giống bò sữa, bò thịt.

Định hướng phát triển chăn nuôi bò, heo, chim yến

Về lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, UBND thành phố định hướng tiếp tục xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển tăng năng suất, chất lượng thịt của đàn bò thịt lai, từ các giống bò thịt chuyên dụng như: Red Angus, Brahman, Droughtmaster, BBB, Wagyu.

TP.HCM: Định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Tại huyện Củ Chi (TP.HCM) vẫn còn nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng truyền thống, quy mô hộ gia đình. Ảnh: Quang Sung

Nhân rộng mô hình, xây dựng đàn bò cái nền hướng thịt, tại Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố và một số trang trại bò thịt ở Củ Chi và Bình Chánh. Kết hợp chuyển một phần bò cái sữa năng suất kém, để phối tinh bò thịt chất lượng cao. Xây dựng khẩu phần nuôi dưỡng bò Wagyu từ giai đoạn phát triển đến vỗ béo tại TP.HCM.

TP.HCM định hướng đến năm 2025, đàn bò thịt đạt 60.000 - 65.000 con. Hàng năm cung cấp cho thị trường 4.500 tấn thịt bò hơi, 10.000 bò cái giống cho thành phố và các tỉnh. 

Đối với lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, UBND thành phố định hướng phát triển theo hướng chăn nuôi công nghệ cao. Theo đó, thực hiện bổ sung thêm danh mục máy móc, thiết bị phù hợp về hỗ trợ cơ giới hóa cho những hộ có quy mô đàn 40 - 50 con và trên 50 con trong Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020. Định hướng đến năm 2025, tổng đàn bò sữa 61.000 con, năng suất sữa bình quân đạt 7.700 kg/con/năm. 

Về chăn nuôi heo, TP.HCM định hướng đến năm 2025 duy trì đàn heo 290.000 con, trong đó heo nái sinh sản 60.000 con. Hàng năm cung cấp cho thị trường trên 1.000.000 heo con giống các loại. 

Đối với lĩnh vực nuôi yến, TP.HCM định hướng đến năm 2025, số nhà nuôi yến khoảng 600 nhà và sản lượng tổ yến khoảng 15.000 kg. 

Chuyển dịch cơ cấu trong nuôi trồng thủy sản

Đối với lĩnh vực thủy sản, UBND TP.HCM định hướng phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đối với công tác môi trường, cần thực hiện nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu thị trường và đạt chuẩn VietGAP. 

TP.HCM: Định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá chép trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Tiếp tục nhân rộng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh liên kết với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, làm vệ tinh cho doanh nghiệp. Sản xuất đúng đối tượng, quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tìm đầu ra và tiêu thụ. 

Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm đạt 5.691 ha, gồm: tôm nước lợ đạt 5.491 ha. Trong đó diện tích tôm sú thâm canh, bán thâm canh 500 ha. Tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh 3.299 ha. Tôm nước ngọt (tôm cảng xanh) tập trung đạt 200 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 29.746 tấn, trong đó tôm nước lợ đạt 29.546 tấn, tôm nước ngọt (tôm càng xanh) đạt 200 tấn. 

Sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con, trong đó xuất khẩu khoảng 50 triệu con, kim ngạch 50 triệu USD. 

TP.HCM: Định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 4.

Những sự kiện xúc tiến thương mại về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM thường xuyên có sự góp mặt của các đơn vị nuôi và kinh doanh cá cảnh. Ảnh: Quang Sung

Đối với vùng nuôi trồng thủy sản, UBND TP.HCM đưa ra định hướng cho cụ thể cho 2 vùng, gồm: thủy sản mặn lợ và thủy sản nước ngọt. Trong đó,  thủy sản mặn lợ tập trung ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè với đối tượng chủ lực là tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), nhuyễn thể (nghêu, hàu, sò huyết, ốc hương, cua). Ngoài ra, một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi bán thâm canh tại huyện Bình Chánh. 

Đối với vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tập trung ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 9 và quận 2, với đối tượng chủ lực là cá cảnh, cá nước ngọt như: cá trê, cá tra, cá sặc rằn, lươn và tôm càng xanh. 

Đối với lĩnh vực diêm nghiệp, UBND TP.HCM định hướng đến năm 2020 diện tích làm muối giảm còn 1.000 ha (trong đó 100% là muối trải bạt). Định hướng đến năm 2025, diện tích muối giảm còn 854 ha (trong đó 100% là muối trải bạt và ổn định ở các năm tiếp theo). Hình thành vùng sản xuất muối tập trung có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, với quy mô diện tích 584 ha ở xã Lý Nhơn và 80 ha ở xã Thạnh An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem