Theo đó, dự thảo này “kiến nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân; tăng phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới; thu phí môi trường (gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn)...”.
Ngoài việc bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí... Thậm chí phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Cùng với đó là đề xuất quản lý số lượng phương tiện đăng ký mới bằng cách cấp hạn ngạch, trong đó “chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn trong mỗi năm”.
Hiện TP.HCM đang có gần 6 triệu xe máy và hơn 500.000 ô tô, theo số liệu thống kê mới nhất của Sở GTVT TP.HCM. (Ảnh minh họa: Dương Thanh)
Đặc biệt ở khu vực nội đô và các thành phố lớn, điều kiện để sở hữu ôtô là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy ở các thành phố lớn nhằm hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật trong công tác đăng kiểm đối với xe máy.
Một số giải pháp chế tài về kinh tế liên quan tới thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe cũng được Sở GTVT đề xuất thêm, như: đánh thuế nhiên liệu, thu phí ra vào khu vực trung tâm thành phố, tăng phí dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội ô đối với ôtô, xe máy - mức thu này sẽ tăng dần theo giờ và theo khu vực trong nội đô.
Sở GTVT còn đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên một số trục chính hoặc trên một số tuyến nhất định vào giờ cao điểm, kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện công cộng và ưu đãi giá vé đối với hành khách tại một số thời điểm cụ thể trong ngày hoặc cả ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.