TP.HCM: Dẹp chợ tự phát, liên kết 22 tỉnh thành cung ứng hàng hóa

H.Phúc Chủ nhật, ngày 20/06/2021 14:59 PM (GMT+7)
Nhiều chợ tự phát tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động từ hôm nay để phòng Covid-19. Ngoài ra, để đảm bảo hàng hóa dồi dào cho người dân, TP.HCM đã liên kết với 22 tỉnh thành cung ứng hàng hóa.
Bình luận 0

Sáng 20/6, nhiều chợ tự phát tại TP.HCM ngưng hoạt động theo quy định mới nhất của UBND TP về việc thắt chặt các biện pháp phòng Covid-19, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Dẹp chợ tự phát 

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, ngay từ sáng sớm, nhiều chợ tự phát tại quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1… đã ngưng hoạt động; một số điểm bán có lực lượng chức năng địa phương đến yêu cầu giải tán và hầu hết đều chấp hành tốt.

Trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), một chợ tự phát sáng nay không hoạt động. Bên ngoài, lực lượng chức năng đã giăng dây. Dù là chợ tự phát nhưng điểm bán này có khá nhiều quầy sạp, ngày thường buôn bán tấp nập. Những người bán đã được thông báo trước nên tạm nghỉ từ hôm nay, không lấy hàng hóa về bán.

Covid-19 phức tạp tại TP.HCM: Dẹp chợ tự phát nhưng hồi hộp tại chợ truyền thống - Ảnh 1.

Một chợ tự phát trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) ngưng hoạt động sáng 20/6. Ảnh: Hồng Phúc.

Một chợ tự phát nhỏ gần cầu Trần Khánh Dư (quận 1) cũng không còn cảnh người bán ngồi hai bên đường, bày rau củ quả, thịt cá như mọi hôm. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng không cung cấp dịch vụ thiết yếu trên đường này cũng đóng cửa để phòng Covid-19.

Nhiều chợ tự phát tại các con hẻm trên đường Phan Xích Long, Vũ Huy Tấn… sáng nay cũng có lực lượng chức năng địa phương đến nhắc nhở. Số lượng tiểu thương bày bán hôm nay cũng rất ít, được nhắc nhở về việc phòng dịch nên vội dọn hàng.

Do nhiều chợ tự phát tạm ngưng hoạt động, lại rơi vào cuối tuần nên sáng nay nhiều cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống khá nhộn nhịp.

Một số cửa hàng thực phẩm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Định như Vissan, Bách Hoá Xanh, Hà Hiền... khá đông. Các cửa hàng vẫn chủ động phòng dịch, khách hàng được yêu cầu sát khuẩn tay; xếp hàng vào lần lượt để đảm bảo giãn cách bên trong.

Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn khó đảm bảo việc giãn cách tối thiểu. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), lực lượng chức năng đã giải tán những người bán hàng rong trên đường Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng. Cao điểm sáng cuối tuần, xe máy, người đi chợ trên các con đường này vẫn tấp nập, nhích từng chút một. 

Người bán và người mua đều chủ động đeo khẩu trang nhưng khó đảm bảo giãn cách tối thiểu để phòng dịch.

Hàng hóa luôn dồi dào, không cần tích trữ

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết việc người dân mua sắm nhiều hơn là tâm lý chung nhưng TP đảm bảo hàng hoá thiết yếu sẽ được cung cấp đầy đủ trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giá cả tăng đột biến hay thiếu hàng hoá trên diện rộng. 

Do đó, người dân không nên tích trữ hàng hóa, tránh tình trạng tập trung đông tại các điểm bán.

Covid-19 phức tạp tại TP.HCM: Dẹp chợ tự phát nhưng hồi hộp tại chợ truyền thống - Ảnh 3.

Ngã ba đường Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức, cạnh chợ Bà Chiểu sáng 20/6. Ảnh: Hồng Phúc.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay, trong thời điểm công tác chống dịch diễn ra nghiêm ngặt hơn, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, có phương án dự trữ, phân phối hàng hoá phù hợp. 

Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức họp với Sở Công thương 22 tỉnh thành, thống nhất thiết lập đường dây nóng. Từ đó, các địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc nắm tình hình thị trường, tình hình sản xuất, cung cấp hàng hoá cũng như xử lý các vấn đề phát sinh.

Việc lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh hiện vẫn thuận lợi. Sở đã làm việc với Sở GTVT, xây dựng phương án ưu tiên để các xe chở hàng hoá lưu thông 24/24. Các doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở GTVT để nhận giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa trên tất cả các tuyến đường tại TP.HCM.

Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã yêu cầu các chợ đầu mối và chợ truyền thống xem xét phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ để tập trung nhân lực tại các cửa chính của chợ nhằm đảm bảo việc kiểm soát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. 

Thương nhân, người lao động và khách đến chợ phải thực hiện việc khai báo y tế điện tử trước khi vào chợ nhằm phục vụ việc truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch Covid-19 có hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với địa phương trong việc xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang trong chợ và nhắc nhở tình trạng đeo khẩu trang không đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem