Shipper giữa mùa dịch: Thu nhập tăng, nhưng nguy cơ nhiễm Covid-19 luôn rình rập

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 08/06/2021 18:06 PM (GMT+7)
Đơn hàng giao nhận thức ăn, hàng hóa tăng mạnh giữa lúc TP.HCM giãn cách xã hội, khiến các shipper có thêm thu nhập. Nhưng đằng sau mỗi chuyến xe là nỗi lo nhiễm Covid-19.
Bình luận 0

Hơn một tuần qua, khi TP.HCM giãn cách xã hội, hàng quán không phục vụ tại chỗ mà chỉ bán mang về, nhiều shipper của các ứng dụng xe công nghệ lại tất bật khi đơn hàng "nổ" liên tục.

Thu nhập shipper tăng

Anh Trần Hậu (ngụ Bình Thạnh) - tài xế của ứng dụng giao nhận thức ăn Baemin, vừa giao một đơn hàng bún riêu cho khách trưa 8/6  vừa bấm nút hoàn thành đơn, điện thoại của anh lại thông báo có một đơn hàng giao thức ăn khác. Anh nhận đơn và nhanh chóng di chuyển đến cửa hàng.

"Từ sáng đến giờ tôi đã giao tổng cộng hơn 10 đơn hàng, cũng may, vị trí nhà hàng và chỗ cần giao khá gần nên không tốn nhiều thời gian, đi được nhiều đơn. Mấy hôm nay, giao đồ ăn với cà phê được lắm. Hàng quán không bán tại chỗ, người ta ngồi tại nhà đặt đồ ăn nên đơn hàng cứ tới liên tục" - anh Hậu hồ hởi nói.

Shipper giữa mùa dịch: Thu nhập tăng nhưng nguy cơ nhiễm Covid-19 luôn rình rập - Ảnh 1.

Shipper chờ giao hàng và thức ăn trước một toà nhà văn phòng ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Shipper này ước tính nếu chạy liên tục đến tối, anh sẽ nhận được thêm khoảng chục đơn hàng nữa. Như vậy, số đơn cả ngày khoảng hơn 20, tăng gấp rưỡi so với trước. Tổng thu nhập mỗi ngày anh Hậu kiếm được từ số chuyến xe đã hoàn thành khoảng 400.000 đồng, chưa trừ tiền xăng xe, điện thoại cho khách cũng như chiết khấu trả lại cho hãng.

Tại TP.HCM những ngày này, một số khu vực tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn như: Phan Xích Long, Vạn Kiếp, Nguyễn Gia Trí… shipper Grab, Go-Jek, Baemin, Now xếp hàng chờ nhận món khá đông, nhất là vào hai khung giờ cao điểm trưa và chiều tối.

Theo tài xế GrabBike Hồng Nhựt, TP.HCM giãn cách xã hội, số lượng người đi "xe ôm" giảm nhiều. Bù lại, nhu cầu đặt món ăn mang về lại tăng cao. Do đó, những ngày qua, số lượng đơn hàng anh chạy mỗi ngày tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi, khiến thu nhập cũng tăng đáng kể trong mùa dịch.

Shipper giữa mùa dịch: Thu nhập tăng nhưng nguy cơ nhiễm Covid-19 luôn rình rập - Ảnh 2.

Shipper nhận hàng tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Diệu Thuỳ.

Không chỉ giao thức ăn, những ngày qua, các tài xế xe công nghệ cũng kiêm luôn nhiệm vụ "đi chợ hộ" cho nhiều gia đình ở TP.HCM. Các ứng dụng gọi xe công nghệ kết nối với nhiều hệ thống siêu thị để thực phẩm, hàng thiết yếu được giao tận nhà một cách nhanh chóng.

Đại diện hệ thống siêu thị Aeon cũng xác nhận, những ngày qua, số lượng đơn thông qua ứng dụng cung cấp dịch vụ đi chợ hộ tăng gấp đôi so với những ngày trước. Nhờ vậy, số đơn hàng cũng như thu nhập của tài xế được cải thiện đáng kể. 

Thu nhập tốt nhưng nguy hiểm rình rập

"Nhiều người nói thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ chúng tôi những ngày này cao hơn cả nhân viên văn phòng, nhìn như vậy chứ không phải vậy. So sánh thế này tội chúng tôi quá" - tài xế Nhựt lắc đầu.

Theo anh, tài xế xe ôm công nghệ hầu hết xách xe máy ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, hầu như không có thời gian nghỉ. Đơn hàng "nổ" là họ cứ chạy suốt. 400.000 - 500.000 đồng mỗi ngày là chưa tính tiền xăng, tiền điện thoại gọi thông báo với khác, chiết khấu cho hãng. Nếu chia trung bình thu nhập thực nhận cho số giờ rong ruổi trên đường thì không còn bao nhiêu.

"Covid-19 phức tạp, chúng tôi lo lắng lắm chứ, đi giao hết chỗ này chỗ kia mà. Nhưng lao động phổ thông làm ngày nào ăn ngày đó. Bây giờ nghỉ chạy, tôi và gia đình chắc nhịn đói" - anh Nhựt nói với giọng buồn.

Shipper giữa mùa dịch: Thu nhập tăng nhưng nguy cơ nhiễm Covid-19 luôn rình rập - Ảnh 3.

Thu nhập của shipper những ngày TP.HCM giãn cách xã hội tăng nhưng nguy cơ Covid-19 luôn rình rập. Ảnh: Hồng Phúc.

Anh Thanh Sơn (tài xế ứng dụng Now) cho hay, Covid-19 ở TP.HCM phức tạp, nhiều khu vực đang phong tỏa, vợ con ở dưới quê hối về hơn cả tuần nay nhưng anh vẫn ráng nán lại TP.HCM kiếm thêm thu nhập.

Theo anh, bây giờ về quê không ổn, lỡ có liên quan một số địa điểm đang sắp thuộc diện cách ly, phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến vợ con. "Ở đây, tôi có một mình không sao, ráng kiếm thêm một chút gửi về quê. Tôi nghe nhiều anh em tài xế khác nói chạy xe cả ngày ngoài đường, về nhà không dám nựng con, nghe mà xót", anh kể.

Nhiều tài xế cũng cho biết dịch bệnh phức tạp, mối nguy luôn chực chờ. Do đó, họ luôn chủ động phòng dịch như luôn đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay sau mỗi đơn hàng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng cho biết trong lúc TP.HCM giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như các sản phẩm khác sẽ lựa chọn hình thức kinh danh trực tuyến, dưới sự hỗ trợ của các công ty vận chuyển giao hàng và các tài xế nhiều hơn. 

Do đó, HCDC khuyến cáo tài xế, các công ty vận chuyển giao hàng, người mua sắm cần lưu ý giao nhận hàng và thanh toán không tiếp xúc, luôn mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mặt. Đặc biệt, các tài xế không được đi làm khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem