TP.HCM: Doanh nghiệp sẵn sàng tái sản xuất sau kỳ “ngủ đông” kéo dài

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 17/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “sống chung với Covid-19”, khi địa phương này mở cửa trở lại...
Bình luận 0

Theo chia sẻ của lãnh đạo các DN, để thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, các đơn vị sẽ củng cố, tăng cường y tế tại chỗ nhằm chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất "3 tại chỗ" và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Tăng cường y tế tại chỗ để "sống cùng Covid-19"

Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa sắp tới, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết, DN đã xây dựng lộ trình trong trường hợp lực lượng lao động được đi làm trở lại từ ngày 30/9 với yếu tố đảm bảo an toàn cho công nhân viên được đặt lên hàng đầu.

"Vissan tăng cường tiêm vaccine cho người lao động để họ sớm có 'thẻ xanh'. Thứ hai, sắp xếp bố trí lại các khâu, dây chuyền sản xuất sao cho đảm bảo các điều kiện hoạt động theo bộ tiêu chí của TP.HCM đưa ra", ông An nói.

TP.HCM: Doanh nghiệp sẵn sàng tái sản xuất sau kỳ “ngủ đông” kéo dài - Ảnh 1.

Nhiều DN đã sẵn sàng hoạt động trở lại khi TP.HCM mở cửa - Ảnh minh họa: Bibica

Bên cạnh đáp ứng giãn cách, tuân thủ quy tắc 5K tại nhà máy, Vissan sẽ phân chia khối văn phòng làm việc online. Doanh nghiệp cũng chuẩn bị bộ phận y tế, các phòng lưu trú nhằm chủ động quản lý, truy vết trong trường hợp phát sinh F0.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng cho biết, nhiều thành viên của Hawa xác định đến 15/10 vẫn duy trì "3 tại chỗ", cùng với tăng cường y tế tại chỗ bằng các giải pháp như: Mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý…

"Đặc biệt, Hawa cũng tổ chức các hội thảo trực tuyến để phổ biến y tế tại chỗ cho các hội viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị, để lực lượng lao động tại chỗ kịp thời xử lý các tình huống phát sinh", ông Phương thông tin.

"Hiện 98% nhân viên công ty đã tiêm vaccine 1 mũi, và hơn 10% đã tiêm mũi 2. Với tiến độ vaccine như hiện nay thì từ giờ đến cuối tháng khả năng sẽ được tiêm đủ 2 mũi gần như toàn bộ công ty nên nếu được mở cửa thì có thể hoạt động lại ngay - ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết .

Không chỉ lo tăng cường y tế tại chỗ, nhiều DN cũng đang rất băn khoăn với lộ trình mở cửa của TP, bởi khi chưa có kế hoạch cụ thể, các DN sẽ không kịp chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty 3DHub Global, cho biết, dù đã có phương án chuẩn bị nếu rủ ro xảy ra, nhưng cũng không nghĩ rằng dịch sẽ kéo dài như thế này.

"Dẫu biết là kéo thêm thời gian giãn cách thì sẽ mất thêm chi phí nhưng DN vẫn phải chịu, quan trọng là phải cho DN biết rõ lộ trình đóng, mở cửa thế nào để họ dể dàng lên kế hoạch chứ mai chỉ thị này, mốt chỉ thị kia không biết đâu mà lên kế hoạch...", bà Phong nói.

TP.HCM: Doanh nghiệp sẵn sàng tái sản xuất sau kỳ “ngủ đông” kéo dài - Ảnh 3.

Các công nhân may khẩu trang tại một DN may mặc tại TP.HCM - Ảnh: DNCC

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty 3D Hub Global, hiện tại cũng rất lo ngại nếu mở cửa trở lại nhưng cũng đâu còn cách nào khác, chỉ mong là Nhà nước nên ưu tiên cho các DN chích ngừa mũi 2 sớm trước khi công nhân quay lại làm, và hỗ trợ chi phí test 3-4 ngày/lần. Ngoài ra, đa số DN hiện nay đều gặp khó về nguồn vốn nên nếu Nhà nước hỗ trợ DN lãi suất là điều rất cần cho DN lúc này…

Vẫn nỗi lo về thiếu hụt lao động

Bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết vấn đề thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất nếu hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Nguyên nhân là do một lượng lớn công nhận của công ty này đã trở về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian gần.

Chủ một DN bất động sản tại Q.Bình Tân cũng cho biết, khoảng hơn 60% nhân sự công ty đã về quê sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, số nhân sự vẫn trụ lại thành phố thì tỷ lệ đã tiêm vaccine mũi một chỉ khoảng 50%, tiêm mũi 2 chỉ khoảng 10%.

"Nhiều lao động đã tiêm mũi 2 nhưng sổ sức khỏe điện tử mới cập nhật mũi 1, thậm chí chưa cập nhật. Đây cũng là khó khăn nếu DN mở cửa trở lại", vị này nói.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng dự báo, nếu TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021, cũng rất khó để công nhân quay trở lại làm việc.

"Hiện đã là giữa tháng 9, chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, vì thế tâm lý lao động quay trở lại TP làm việc cũng khó khăn. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. Dự kiến, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%" - ông Giang nêu.

Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cũng cho rằng, để chuẩn bị hoạt động khi TP mở cửa trở lại, bên cạnh nguồn vốn, các đơn vị còn gặp khó trong vấn đề lưu thông của lao động.

"Số lao động quay trở lại sản xuất khi TP mở cửa còn phụ thuộc vào số lao động có thẻ xanh Covid-19 và cách tổ chức sản xuất của DN trong điều kiện có kiểm soát. Vì thế, TP cần có những cơ chế khẩn cấp, thống nhất và đồng bộ về các chính sách. Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để thay đổi các giao dịch trực tiếp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", ông Dũng đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem