Mục tiêu đầu vẫn là giảm tải
Thống kê của ngành y tế TP.HCM cho thấy, hiện nay mỗi năm ngành y tế thành phố khám và điều trị cho khoảng 30 triệu lượt bệnh nhân nhưng đa số dồn vào các bệnh viện (BV) lớn, BV tuyến cuối dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều BV. Chính vì vậy, thời gian qua ngành y tế TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp để “kéo dãn” tình trạng quá tải như xây dựng thêm nhiều BV mới tại các cửa ngõ (BV quận Bình Tân, BV huyện Củ Chi, BV quận Tân Phú); cải tạo, nâng cấp và mở rộng các BV quận Thủ Đức, quận 2… Bên cạnh đó, thành phố cũng trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng phân cấp cho các trạm y tế xã, phường mua trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành y tế cũng tổ chức cho bác sĩ ở BV tuyến thành phố tập huấn cho nhân viên y tế tuyến dưới về công tác khám chữa bệnh ban đầu, xử lý tại chỗ các ca bệnh nặng, biến chứng. Ngành cũng cho bác sĩ tuyến trên luân phiên công tác có thời hạn tại BV quận huyện, phường xã, hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật… Đặc biệt, để triển khai giảm tải có hiệu quả, ngành y tế đã đẩy mạnh phát triển hệ thống bác sĩ gia đình của các BV quận huyện và trạm y tế. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan với 117.217 lượt khám (113.993 lượt tại các BV quận huyện và 3.224 lượt tại các trạm y tế).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh-Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Nếu khoảng 70% bệnh nhân hiện nay chuyển về điều trị tại tuyến y tế cơ sở thì sẽ giảm tải được rất nhiều cho BV tuyến cuối. Một khi vấn đề quá tải BV được giải quyết, các bác sĩ BV tuyến cuối sẽ có đủ sức lực, thời gian nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân”.
4.200 tỷ đồng phát triển y tế đến 2020
Với những mục tiêu trên, ngay trong 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động giảm tải của ngành y tế TP.HCM đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan như: Cử biệt phái 59 bác sĩ BV tuyến thành phố đến làm việc tại 12 BV tuyến quận, huyện với thời gian công tác từ 1 - 3 năm; tổ chức 117 lớp tập huấn, đào tạo cho 667 lượt học viên và đã chuyển giao 39 kỹ thuật. Đặc biệt, triển khai khám, chữa bệnh 50.149 lượt bệnh nhân trong đó phẫu thuật tại chỗ cho 1.045 bệnh nhân không cần phải chuyển viện. Các BV quận, huyện đã thực hiện được một số kỹ thuật như: Mổ bắt con, mổ thai ngoài tử cung, phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, phẫu thuật búi trĩ bằng Longo, phẫu thuật dò hậu môn, gãy xương đòn... mà không cần sự can thiệp của BV tuyến trên.
Để phát triển ngành y tế TP.HCM trở thành 1 trong 9 ngành dịch vụ chất lượng cao, mới đây UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1865/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở giai đoạn 1 phải đạt 14.961 bác sĩ, 7.181 dược sĩ, 24.938 điều dưỡng và ở giai đoạn 2 đạt 21.984 bác sĩ, 8.244 dược sĩ, 32.976 điều dưỡng.
Ông Huỳnh Công Hùng-Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM, cho rằng đề án quy hoạch phát triển y tế phải gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, yêu cầu cấp thiết là thực hiện giảm quá tải BV, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực có y đức, tận tụy phục vụ người bệnh, đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng. Ngoài ra phải xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp từ tuyến cơ sở đến thành phố mang tính chuyên sâu, phát triển mạng lưới vận chuyển cấp cứu chuyên nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.
Nhu cầu quỹ đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu giường bệnh theo đề án quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM đến năm 2025 là hơn 280ha. Riêng nhu cầu về vốn đầu tư ở từng giai đoạn là 20.746 tỷ đồng (từ năm 2013-2015) và 4.200 tỷ đồng (từ năm 2016-2025). Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư để có thêm 1.000 giường bệnh từ các cơ sở công lập và dự kiến 3.000 giường bệnh từ các BV tư nhân tham gia đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.