TP.HCM: Giảm dần trợ cấp, chuyển sang tác động để người dân tự vươn lên thoát nghèo

Bạch Dương Thứ tư, ngày 09/08/2023 16:42 PM (GMT+7)
Ngày 9/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã giám sát về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.
Bình luận 0
TP.HCM: Giảm dần trợ cấp, chuyển sang tác động để người dân tự vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: B.D

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH TP.HCM, ngay từ đầu giai đoạn 2021 - 2025, Sở đã kịp thời tham mưu UBND TP ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình: Quyết định quy định chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo TP giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt là chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã mua và cấp 300.106 thẻ BHYT cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo; hỗ trợ 86.034 lượt hộ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn; hỗ trợ tiền điện cho 302.204 lượt hộ, với trị giá hơn 45,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ cho 4.674 lượt lao động về mua BHXH tự nguyện, với hơn 12,8 tỷ đồng. Riêng chính sách hỗ trợ nhà ở, đến nay TP đã thực hiện xây mới 299 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 1.191 căn nhà tình thương, sửa chữa 128 căn nhà tình nghĩa…

Tính đến hết tháng 6, qua rà soát, TP còn lại 39.375 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.736 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,55%/tổng hộ dân TP, trong đó 21.308 hộ nghèo và 18.067 hộ cận nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2023, TP phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021 – 2025.

Tại buổi giám sát, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng, Sở LĐTB&XH TP cần rà soát, đánh giá nguồn nhân lực thực hiện chương trình từ cơ sở đến TP; nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện nội dung hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. HĐND TP đã bố trí 4.726 tỷ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND. Năm 2023 bố trí 2.796 tỷ theo NQ 29/NQ-HĐND và có đề nghị UBND TP khẩn trương bố trí số vốn này từ vốn đầu tư công năm 2023 để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM: Giảm dần trợ cấp, chuyển sang tác động để người dân tự vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Đại biểu góp ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: B.D

Nhiều ý kiến cho rằng TP cần sớm ban hành hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, góp phần kéo giảm chiều thiếu hụt về dinh dưỡng, tạo nền tảng thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. 

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh bổ sung các chính sách nhằm hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện như giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt như: chế độ ốm đau, thai sản... ĐBQH Nguyễn Thanh Sang lo ngại tình trạng hộ đã thoát nghèo nhưng cố tình che giấu, không khai báo để tiếp tục được hưởng các chế độ của hộ nghèo.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP yêu cầu Sở LĐTB&XH TP tiếp tục quan tâm các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của TP thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo, phê phán tình trạng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ chính sách của nhà nước và của cộng đồng.

Bên cạnh đó, có cơ chế, giải pháp nhằm đẩy mạnh truyền thông để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, có điều kiện chăn nuôi trồng trọt, sản xuất kinh doanh... để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng nguồn lực để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem