TP.HCM: Không được lập danh mục, đóng gói bộ sách giáo khoa ngoài danh mục
TP.HCM: Cơ sở giáo dục không được lập danh mục, đóng gói bộ sách ngoài danh mục
Mỹ Quỳnh
Thứ sáu, ngày 01/07/2022 16:01 PM (GMT+7)
Sở GDĐT đề nghị các cơ sở giáo dục không được thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo, đề cương và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt để giới thiệu cho học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Ngày 1/7, thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở, Trưởng phòng GDĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn quận huyện và TP.Thủ Đức về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo chỉ thị số 643/CT-BGDĐT.
Theo đó, Sở GDĐT đề nghị Trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức thực hiện nghiêm việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT đến tất cả cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, nhân viên biết để thực hiện.
Đặc biệt, sở yêu cầu phải quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.
Thực hiện nghiêm quy định quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT). Trong đó, quan trọng nhất là nội dung “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.
Đáng chú ý, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục không được thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo, đề cương và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để giới thiệu cho học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng. Tất cả tài liệu, học liệu tham khảo sử dụng trong cơ sở giáo dục phải được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT.
Ngoài ra, sở yêu cầu các đơn vị bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyền góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp để phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội biết, đồng thuận với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT, ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT đảm bảo đúng quy định.
Đồng thời, sở đề nghị Phòng GDĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong việc phối hợp với đơn vị có liên quan cung ứng sách giáo khoa và trong việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo về Sở GDĐT khi có phát sinh trường hợp vi phạm.
Phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên – Chuyên nghiệp và Đại học thường xuyên theo dõi, nắm thông tin về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ở các cơ sở giáo dục. Sở GDĐT sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phối hợp cung ứng sách giáo khoa, việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, đảm bảo đúng tinh thần Chỉ thị của Bộ GDĐT.
Chi tiết chỉ thị Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT xem TẠI ĐÂY.
Chi tiết Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT xem TẠI ĐÂY.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.