TP.HCM kiến nghị những cơ chế đặc thù gì với Thủ tướng cho tuyến đường Vành đai 4?
TP.HCM kiến nghị những cơ chế đặc thù gì với Thủ tướng cho tuyến đường Vành đai 4?
Xuân Huy
Chủ nhật, ngày 01/09/2024 13:59 PM (GMT+7)
TP.HCM vừa có báo cáo Thủ tướng, kiến nghị việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế đặc thù để gỡ vướng cho dự án Vành đai 4 TP.HCM và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.
UBND TP.HCM vừa báo cáo Thủ tướng về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM. Trong báo cáo này, địa phương đề cập việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế đặc thù để gỡ vướng cho dự án này và trình tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.
Sau công văn trên, UBND TP.HCM đã làm rõ về các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để đẩy nhanh tiến độ dự án. Địa phương đã đề xuất các nội dung mới về vốn, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề khai thác khoáng sản và cơ chế quản lý sau đầu tư.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất với Thủ tướng về việc UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương cùng nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 TP.HCM. Ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của phần dự án tiếp giáp (cầu nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, cầu Thủ Biên nối Đồng Nai và Bình Dương).
Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Tỉnh Long An được ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn tham gia dự án.
TP.HCM cũng kiến nghị tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án. UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tổng mức đầu tư các dự án thành phần của Vành đai 4 TP.HCM ở từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần cần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A.
Thành phố cũng đề xuất cơ chế cho phép thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP.HCM trên cơ sở quy mô, hướng tuyến đã nghiên cứu trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh đồ án quy hoạch có liên quan trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
TP.HCM kiến nghị giao UBND các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư sau khi Quốc hội quyết định chủ trương. Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết xây dựng dự án Vành đai 4 TP.HCM được Quốc hội thông qua, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thành phố cũng đưa ra cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với Vành đai 4 TP.HCM. Sau khi đầu tư và quyết toán vốn, Vành đai 4 TP.HCM được áp dụng cơ chế quản lý công trình.
TP.HCM đánh giá, đường Vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong việc giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ xác định, đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 TP.HCM.
Ngoài ra, ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 483 bổ sung dự án đường Vành đai 4 TP.HCM vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.