TP.HCM: Mất dấu hàng ngàn bệnh nhân lao vì chủ quan

Bạch Dương Thứ tư, ngày 11/11/2020 20:53 PM (GMT+7)
Ngay tại thành phố lớn như TP.HCM, bệnh lao vẫn đang âm thầm tấn công; thậm chí có diễn biến bất thường. Chủ yếu vì sự chủ quan của người bệnh.
Bình luận 0
TP.HCM: Mất dấu hàng ngàn bệnh nhân lao vì chủ quan - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Chủ quan vì không nghĩ mắc lao

Mới 16 tuổi nhưng H.N.H (ngụ huyện Bình Chánh) thường xuyên ho tức ngực, có đờm, khó thở. Nghĩ chỉ là bệnh viêm họng thông thường nên H tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Cho đến khi sụt cân không rõ nguyên nhân, tức ngực kéo dài, gia đình mới đưa H đi khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, lúc đó em mới biết mình bị lao.

Xót xa hơn, em C.B.H. (15 tuổi, ngụ quận 10) sau 4 ngày nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 vì đau bụng nhiều, không đi lại nổi đã tử vong. Các xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị tắc ruột, thủng ruột nên chỉ định mổ khẩn để cắt đoạn ruột bị thủng, hoại tử. Tiếp tục chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm thì phải hiện bệnh nhân bị viêm phổi và có vi khuẩn lao khiến các cơ quan bị tổn thương, gồm lao phúc mạc, lao ruột, lao phổi. 

Được điều trị thuốc chống nhiễm trùng, vì H. có tình trạng nhiễm trùng huyết nhưng không thuyên giảm, diễn tiến bệnh ngày càng nặng, sau 4 ngày nhập viện, H đã tử vong.

BSCKII Dư Tấn Quy, Phó Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, em H. tử vong do mắc bệnh lao ruột. Do bệnh nhân nhập viện trễ nên vi trùng lao tấn công gây tổn thương đa cơ quan, thủng ruột gây tử vong.

Theo WHO, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên thế giới. Đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, TP.HCM là nơi có dịch lao cao nhất cả nước, hàng năm đã phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 15.000 bệnh nhân lao.

Mất dấu hàng ngàn bệnh nhân lao 

Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện cũng chỉ đạt được khoảng 60% số trường hợp mắc lao mới trong cộng đồng. Trên 30% bệnh nhân vẫn bị mất dấu, không kiểm soát được, một phần bắt nguồn từ sự kỳ thị của cộng đồng.

Theo BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, kỳ thị, xa lánh với người bệnh lao khiến người bệnh tự ti, không hợp tác với cơ sở khám chữa bệnh, không tuân thủ phác đồ điều trị hoặc bỏ thuốc.

Thông thường, phác đồ điều trị lao kéo dài 6 – 9 tháng hoặc dài hạn 20 tháng tùy từng thể bệnh. Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt. 

Nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ thời gian theo phác đồ. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị, ngừng dùng thuốc, bệnh sẽ nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn lao sẽ kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

BS Nguyễn Đình Duy (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết, một phần ba dân số ước tính bị lây nhiễm bởi vi khuẩn lao. Phần lớn những người bị nhiễm này không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lao và không gây lây nhiễm bệnh cho người khác. Nhưng họ có nguy cơ phát triển thành bệnh lao hoạt động và sẽ trở thành nguồn lây truyền bệnh trong cộng đồng

Người mắc bệnh lao khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khi và lưu chuyển đi khắp mọi nơi. Khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế "ở trạng thái không hoạt động" nên không gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi...) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

Các triệu chứng thường gặp của lao phổi là: Bị ho kéo dài trong 2 - 3 tuần hoặc hơn; ho, khạc ra đờm từ sâu trong phổi, đôi khi vướng máu; đau tức ngực; ăn mất ngon, sụt cân; cảm giác yếu sức, mệt mỏi; thỉnh thoảng sốt; đổ mồ hôi về đêm; sưng tấy ở cổ, nách, háng...

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân bị lao đều có tất cả các triệu chứng kể trên, nhiều người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều loại bệnh khác không phải lao. Do vậy để biết một cách chính xác có phải đã mắc lao hay không nếu chưa từng tiêm phòng lao, người bệnh nên làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt tại cơ sở y tế. Biện pháp phòng ngừa lao hiệu quả nhất chính là tiêm phòng.

Từ năm 1981, Bộ Y tế đã đưa vaccine BCG phòng lao vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định thì được chích ngừa vaccine BCG phòng bệnh lao trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Vaccine BCG được chỉ định chích ngừa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chỉ chích ngừa một liều duy nhất đã có thể tạo ra tác dụng bảo vệ lâu dài, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%.

Nếu không được chích ngừa vaccine BCG, trẻ có thể có nguy cơ cao mắc bệnh lao, thậm chí có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do hệ thống miễn dịch non yếu của trẻ không đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước các loại vi khuẩn xâm nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem