Không gian phố đi bộ Lê Lợi theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Có mặt tại phố Lê Lợi vào trưa 7.10, theo quan sát của phóng viên, khác với phố đi bộ Nguyễn Huệ đa phần là công ty, khách sạn, cơ quan hành chính…, đường Lê Lợi tập trung nhiều hộ dân cư buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh.
Chủ căn hộ số 64 Lê Lợi tâm tư, việc Nhà nước quy hoạch đường Lê Lợi thành phố đi bộ thì người dân phải chịu. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, buôn bán của các hộ kinh doanh. "Bởi khi đã trở thành tuyến phố đi bộ, xe sẽ bị cấm ra vào. Khách muốn vào mua hàng, nếu mua ít không sao, nhưng mua nhiều thì ai mà xách nặng để đi bộ được. Còn đi xe vào, nếu đậu bậy bạ thì không được, mà có đậu thì sẽ bị lực lượng phạt. Thu nhập giảm sút là đương nhiên", ông này nói.
Người đàn ông chủ căn nhà số 14 Lê Lợi cũng không giấu được bức xúc: "Hơn 3 năm qua, trước nhà chúng tôi đã bị rào chắn xây ga ngầm (nhà ga ngầm tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên – PV), việc buôn bán kiếm kế sinh nhai bị đình trệ. Hiện các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa biết khi nào mới được tháo rào trả lại mặt bằng. Bây giờ lại nghe sắp quy hoạch thành phố đi bộ, lại ngăn cấm xe cộ lưu thông, tôi không biết người dân chúng tôi sẽ kinh doanh buôn bán ra sao?
Nhưng Nhà nước yêu cầu làm thì cứ làm thôi. Như vấn đề dãy rào chắn kia, tại cuộc họp nào, chúng tôi cũng hỏi khi nào công trình xong để thông thoáng con phố, nhưng chúng tôi cũng không biết khi nào xong. Còn dự án phố đi bộ quy hoạch vậy, chúng tôi biết vậy chứ cũng không biết khi nào thực hiện".
Sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào sử dụng từ tháng 4.2015, mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất xây dựng đường Lê Lợi (quận 1) kết hợp khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành thành quảng trường đi bộ. Không gian đi bộ cũng được đề nghị mở rộng sang hướng Đông (phía sau Nhà hát Thành phố) thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23.9.
Đường Lê Lợi có nhiều trục đường chính cắt ngang, việc trở thành phố đi bộ rất dễ xảy ra kẹt xe. Ảnh: P.T
Tuy nhiên, đề xuất trên ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình là TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn khi ông cho rằng, việc biến trục đường Lê Lợi thành phố đi bộ như mô hình đường Nguyễn Huệ là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Sơn, khi trục Lê Lợi bị biến thành phố đi bộ, khu trung tâm TP.HCM sẽ bị cắt làm đôi. Các loại xe phải đi vòng đến hết đường này mới quay lại được. Nếu thành phố không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ rất lúng túng khi xảy ra sự cố cháy nổ, xe cứu hỏa không có đường ra vào.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng đề nghị thành phố cần nghiên cứu kỹ đề xuất. Bởi phố đi bộ là không gian công cộng chỉ dành cho người đi bộ và cấm xe hoàn toàn. Nếu quy mô đường đi bộ quá lớn sẽ lấn vào hoạt động của đường giao thông, gây trở ngại cho các loại xe lưu thông ra vào khu trung tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.