Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, bình quân một ngày TP.HCM thu gom và xử lý 10.334 tấn rác. Mỗi năm, TP.HCM phải chi khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải, trong đó gần 1.200 tỷ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỷ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỷ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỷ đồng chi cho khâu xử lý rác thải… Tuy nhiên, hiệu quả trong lĩnh vực xử lý rác thải vẫn chưa được như mong muốn.
Từ tháng 11.2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định...
Nhiều tuyến phố tại TP.HCM đã đặt những thùng rác nhiều màu để người dân phân loại bỏ vào thùng theo đúng quy định.
Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại với môi trường và sức khỏe con người.
Các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phân loại phải được phân biệt với các loại xe thu gom, vận chuyển chuyên dụng khác. Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Chất thải rắn phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, không quy định màu sắc.
Thành phố cũng khuyến khích người dân sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại, đồng thời sử dụng thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại.
Túi chứa chất thải hữu cơ hoặc túi chứa chất thải còn lại được phân biệt bằng các hình thức như dán nhãn, ghi dòng chữ trên túi, màu sắc túi hoặc đánh dấu để nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom nếu người dân không thực hiện phân loại rác.
Về thời gian thu gom, chất thải hữu cơ sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ hai, tư, sáu, chủ nhật trong tuần. Chất thải còn lại sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần.
Hiện tại, thành phố có 4 đơn vị xử lý rác là Công ty cổ phần VietStar, Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phải hướng dẫn các nhãn dán nhận biết, dán trên túi, thùng chứa chất thải hữu cơ và chất thải còn lại.
UBND các quận, huyện tổ chức in ấn, cấp phát nhãn dán cho tổ chức, hộ gia đình để dán trên túi, thùng rác để nhận biết phân loại (khi có yêu cầu) từ nguồn kinh phí thành phố bổ sung hàng năm hoặc cân đối từ nguồn ngân sách quận, huyện.
Các hộ dân không phân loại rác tại nguồn, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng.
Điểm đặc biệt của quyết định này là UBND TP quy định tổ chức thu gom rác thải được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình, chủ nguồn thải khi hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng quy định...
UBND TP.HCM cũng yêu cầu cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến quy định và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, các hộ dân không phân loại rác tại nguồn, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt bằng tiền từ 15 – 20 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.