TP.HCM: Nước ngầm ngoại thành nhiễm bẩn nặng

Thứ sáu, ngày 29/06/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh mới đây đã khẳng định: Phần lớn các mẫu nước giếng tại khu vực ngoại thành bị nhiễm vi sinh và kim loại nặng...
Bình luận 0

Nhiều giếng nhiễm kim loại nặng

Theo phản ánh của nhiều người dân phường Hiệp Thành, quận 12, thì nhiều khu vực ở xã Bà Điểm (Hóc Môn), khu vực xã Thái Mỹ (Củ Chi)… nước giếng rất bẩn. Đây là khu vực chưa có hệ thống nước máy, lâu nay người dân sử dụng nước giếng để phục vụ sinh hoạt.

img
Nước sạch về với một số khu vực ngoại thành TP.Hồ Chí Minh.

TS - BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: Hầu hết các hộ dân sử dụng nguồn nước giếng trên địa bàn hiện nay đều không khử trùng nước.

Qua khảo sát và lấy mẫu nước giếng ngẫu nhiên để kiểm nghiệm tại một số quận huyện trên địa bàn thành phố trong năm 2011 cho thấy, các mẫu nước giếng không đạt về độ vi sinh tập trung ở các quận, huyện: 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Về chỉ tiêu hóa lý, các mẫu nước giếng đa phần nhiễm bẩn hữu cơ (amoni, nitrat, nitrit,…) tập trung ở các quận, huyện: 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Cũng theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thì, nồng độ Fe và chỉ tiêu nhiều kim loại nặng trong nước ngầm ở nhiều khu vực của thành phố đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ở tầng Pleistocen - nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố - nồng độ Fe vượt chuẩn từ 1,5 - 6,7 lần tại khu vực huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12; hàm lượng chì vượt 1,1 lần tiêu chuẩn tại khu vực Củ Chi, quận 9; tại tầng Pleistocen dưới ở khu vực Củ Chi; Bình Chánh, Fe vượt 1,7 - 8,4 lần…

Đồng thời, mức độ nhiễm kim loại nặng (Zn, Cu, Pb, Cd, As, Cr…) cũng đang tăng mạnh về nồng độ so với năm 2010, tại các tầng nước ngầm thành phố, đặc biệt là ở một số khu vực ngoại thành như: các sân golf, quận 2, quận 12, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi…

Không dùng nước nhiễm bẩn ăn uống...

Theo các chuyên gia, thông thường các giếng đào mà người dân sử dụng thường rất nông. Mặt khác, ở khu vực này tập trung nhiều nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp, nước thải nơi đây cũng đe dọa cho nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, khu vực ngoại thành lại là những vùng thấp, nguy cơ ô nhiễm kim loại xuống tầng nước dưới đất cao hơn. Ngay từ bây giờ, nếu không có hướng xử lý và giải quyết thì sẽ đe dọa lớn đến chất lượng nguồn nước ngầm và trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng.

Đối với nguồn nước không đảm bảo, người dân chỉ dùng cho việc tắm giặt, không nên sử dụng để nấu ăn, uống...

BS Lê Văn Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết: Các mẫu nước giếng ở khu vực trên không đạt, người dân sử dụng phục vụ cho ăn uống, tắm giặt do thường bố trí gần khu vực chăn nuôi, hố tiêu, hố rác, nơi trồng trọt có bón phân hữu cơ.

Bình thường, cơ thể có các cơ chế để đào thải kim loại nặng, nhưng khi hàm lượng này vượt mức chống độc của cơ thể thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như: Làm tăng nguy cơ gây ung thư, rối loạn trao đổi chất ở các tổ chức sống, các tuyến và các cơ quan nội tạng, làm mất cân bằng các hệ enzym...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem