Sống mòn trong vùng dự án ga Thủ Thiêm

Diệu Bình Thứ hai, ngày 28/10/2024 15:30 PM (GMT+7)
Hơn 17 ha "đất vàng" tại TP.HCM được quy hoạch làm ga Thủ Thiêm nhưng gần 20 năm qua vẫn nằm bất động, đẩy cuộc sống của người dân vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Bình luận 0

Những bức tường được chắp vá bằng tôn, ván là thứ để che bớt đi sự xuống cấp của ngôi nhà. Gần 20 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Ngẫm (53 tuổi, trú phường An Phú, TP.Thủ Đức) phải sống tạm bợ trong ngôi nhà không thể "nát" hơn thế này. Bán rau củ dạo để kiếm sống qua ngày nên bà cũng không dám vay tiền ngân hàng để sửa chữa.

"Mưa thì nước tràn vào nhà, ngày nắng thì bùn đất nhầy nhụa. Người dân ở đây khổ đủ bề. Bây giờ không còn nghĩ khi nào mới được đi đến nơi khác vì dự án đã treo quá lâu, chỉ nghĩ làm sao sống được trong cảnh này thôi", bà Ngẫm than thở.

img

Dự án ga Thủ Thiêm rộng 17,2 ha nằm tại phường An Phú, TP.Thủ Đức,. Ảnh: D.B

Gia đình bà Ngẫm là một trong hàng chục hộ dân nằm trong khu quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm treo gần 20 năm qua. Trong thời gian dài chờ dự án triển khai, người dân tại đây phải sống chật vật vì nhà cửa, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV Dân Việt, nằm lọt thỏm bên cạnh những tòa cao ốc hiện đại khu đô thị Thủ Thiêm, phần lớn diện tích dự kiến xây dựng ga Thủ Thiêm cỏ mọc um tùm xen lẫn những căn nhà xuống cấp. Đường sá nham nhở, ao hồ ô nhiễm, rác thải bủa vây khắp nơi.

img

Đa số người dân tại sinh sống trong vùng dự án ga Thủ Thiêm là lao động nghèo. Ảnh: D.B

Kí ức về quy hoạch ga Thủ Thiêm dần trở nên mơ hồ, ông Trần Văn Tiến (61 tuổi, trú phường An Phú, TP.Thủ Đức) phải lục lại sấp giấy tờ nhà đất cũ nhàu để nhẩm tính thời gian treo của dự án khi PV hỏi đến.

Gần 20 năm nghe thông tin về dự án cũng là bấy nhiêu thời gian ba thế hệ nhà ông Tiến phải sinh hoạt trong ngôi nhà xuống cấp, đã nâng nền 4 lần và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

"Lúc vợ tôi còn sống, bà ấy cứ mong dự án triển khai, gia đình được chuyển đi nơi khác, ổn định cuộc sống nhưng bà ấy không chờ được. Nhiều khi mưa, nước đổ vào nhà, ngập đến bàn thờ. Sống khổ, chết cũng không hết khổ", ông Tiến nói, chỉ tay về phía bàn thờ người vợ mới mất được một năm.

img

Những căn nhà nằm trong vùng dự án xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: D.B

Không đành lòng nhìn con cháu sống khổ, nhiều lần ông Tiến đã tìm người rao bán nhà nhưng không có ai mua vì đất nằm trong vùng quy hoạch.

"Có ở đây mới hiểu được nỗi khổ của người dân như chúng tôi. Bao nhiêu năm ròng rã chờ được đến nơi ở mới nhưng vô vọng. Cứ ít hôm lại có thông tin dự án sẽ được triển khai, người dân ở đây đã chán lắm rồi", ông Tiến chia sẻ.

img

Gia đình ông Trần Văn Tiến sinh sống trong ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: D.B

Dựng căn chòi nhỏ trước nhà để buôn bán mưu sinh, bà Kim Hồng (52 tuổi, trú phường An Phú, TP.Thủ Đức) đã không còn muốn nhắc đến dự án vì chờ đợi quá lâu.

"Yên ổn" là điều mà bà Hồng và những người dân nằm trong vùng dự án ga đường sắt Thủ Thiêm momg muốn nhất lúc này.

"Tôi chỉ muốn có một thông tin chính thức là có làm hay không, nếu làm thì có đơn giá bồi thường, chỗ ở tái định cư cho chúng tôi, còn không thì để chúng tôi cất nhà, yên ổn sinh sống", bà Hồng nói.

img

Theo thời gian, đa số nhà người dân tại dự án ga Thủ Thiêm đều xập xệ. Ảnh: D.B

Ga Thủ Thiêm rộng 17,2 ha, nằm tại phường An Phú, TP.Thủ Đức sẽ là ga cuối cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo quy hoạch, ga Thủ Thiêm sẽ phục vụ ba tuyến đường sắt lớn gồm: đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm).

Ga này sẽ trở thành trung tâm giao thông huyết mạch, kết nối khu vực TP.HCM với các tỉnh lân cận và các phương tiện giao thông công cộng khác.

Ga Thủ Thiêm tọa lạc giữa hai trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP.Thủ Đức). Đây là vị trí đắc địa khi nằm ngay đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành và nút giao thông An Phú - một trong những điểm giao thông quan trọng của khu vực phía Đông TP.HCM.

Không chỉ có lợi thế về giao thông, khu vực ga Thủ Thiêm còn nằm sát Khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trong những khu đô thị hiện đại trong tương lai của TP.HCM.

img

Dự án ga Thủ Thiêm hiện cỏ mọc um tùm. Ảnh: D.B

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét, thông qua.

Nếu chủ trương được thông qua, Bộ GTVT dự kiến đấu thầu, lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2025-2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM vào năm 2027. Năm 2028-2029, khởi công dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam).

Mỗi năm, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ phục vụ khoảng 106,8 triệu lượt hành khách (đối với tàu khách khu đoạn); Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem