TPHCM tiếp tục đề xuất quy hoạch khu “dịch vụ nhạy cảm”

Tất Định Thứ sáu, ngày 23/10/2015 18:40 PM (GMT+7)
Nếu các ngành nghề kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” được quy hoạch thành khu vực riêng, người lao động sẽ được đảm bảo tiền lương, bảo hiểm và nhiều chế độ khác. Việc quản lý, phối hợp giữa các bộ ngành cũng sẽ tốt hơn.
Bình luận 0

Đó là ý kiến của ông Lê Văn Quý, phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM trong hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015, do Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội (LĐ TB&XH) tổ chức ngày 23.10 tại Hà Nội.

Quy hoạch không có nghĩa công nhận mại dâm

Ông Quý cho rằng, hiện nay công tác phòng chống mại dâm cực kỳ khó khăn, phức tạp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có quan điểm mới về việc này.

“Với vai trò là cơ quản lý, tham mưu trong lĩnh vực phòng chống mại dâm, chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét tổ chức quy hoạch các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Có thể thí điểm trước tại một số địa phương là điểm nóng về tệ nạn mại dâm”, ông Quý nói.

Theo phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM, đề xuất trên xuất phát từ thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành những điểm karaoke, massage, xông hơi đều có tiếp viên nữ, phần lớn là người lao động không hưởng lương. Thu nhập chủ yếu từ tiền “bo” của khách.

Việc quy hoạch này sẽ đảm bảo quyền lợi, lương, bảo hiểm, khám sức khỏe cho người lao động. Cơ sở nào đồng ý vào quy hoạch sẽ có những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng. Trường hợp sai phạm sẽ bị xử lý mạnh tay.

img

Theo đề xuất của Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM, việc quy hoạch khu "dịch vụ nhạy cảm" sẽ dễ quản lý hơn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Lập quy hoạch khu vực kinh doanh dịch vụ nhạy cảm không có nghĩa là chấp nhận hoạt động mại dâm một cách hợp pháp. Tập trung lại để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và nhiều vấn đề khác. Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị thành phố xem xét”, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM khẳng định.

Cần nghiên cứu kỹ hơn

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH – Nguyễn Trọng Đàm, việc quy hoạch này cần phải bàn luận, nghiên cứu kỹ hơn.

“Nếu các dịch vụ gội đầu, massage, karaoke dồn hết vào một chỗ thì có tiện cho người dân hay không? Người dân không thể đi từ Quận 1 đến Quận 4 để gội đầu, hát karaoke được. Liệu quy hoạch thành một khu vực, có chắc nơi khác không xuất hiện? Không phải các dịch vụ này đều dẫn tới mại dâm, quan trọng là chính quyền cần tăng cường xử lý, ngăn chặn. Hiện nay, chưa thể nói đề xuất này khả quan được”, Thứ trưởng Đàm nói.

Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho rằng đây là một đề xuất sáng tạo. Tuy nhiên, để thực hiện được phải phụ thuộc vào luật và các nghị định sắp tới theo hướng nào. Khi ban hành chính sách, đề xuất mà đưa vào thực tế thì sẽ ảnh hưởng, xáo trộn đến nhân dân rất lớn.

Theo ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nam Định việc điều chuyển các cơ sở kinh doanh dịch vụ vào một khu sẽ rất dễ bị lợi dụng.

“Về mặt quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng hơn. Nhưng về mặt xã hội, người dân trên địa bàn này có thể sẽ không đồng tình. Đối với tỉnh Nam Định nói riêng và toàn quốc nói chung, đây là đề tài cần trao đổi chặt chẽ, toàn diện hơn”, ông Nguyên nói.

Trước đó, đầu năm 2013, TP HCM từng kiến nghị chính phủ cho phép gom các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” vào một khu vực để quản lý chặt chẽ người bán dâm.

Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động, phòng chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 của 63 tỉnh thành phố, hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là 11.240 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn bởi đây là một hoạt động rất khó kiểm soát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem