TP.Hồ Chí Minh: “Rót” tiền tỷ vào hợp tác xã giúp nông dân tăng thu nhập
Trần Cửu Long
Thứ tư, ngày 14/04/2021 12:13 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, TP.HCM tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho các HTX nhằm giúp các HTX trở thành động lực, đầu tàu phát triển nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, năm 2020, sở đã duyệt 179 lượt vay với tổng vốn vay hơn 241 tỷ đồng cho các HTX. Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tiến bộ kỹ thuật theo từng chuyên ngành, tập huấn có bồi dưỡng kiến thức về tiềm năng phát triển của HTX và kỹ năng tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm.
Sở hỗ trợ HTX xây dựng website, thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì, tem, tổ chức chợ phiên, hội chợ để kết nối.
Hiện, sở đang điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, phát huy vai trò trung tâm của HTX giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, diện tích, chủng loại nông sản, dự kiến sản lượng thu hoạch và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực để cung cấp thông tin cho người sản xuất, tránh tình trạng cung vượt cầu; bản đồ số hóa các vùng sản xuất phục vụ...
Theo bộ tiêu chí về NTM đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay, TP.HCM có 56/56 xã đánh giá đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
Tại huyện Cần Giờ, ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, các HTX mới thành lập sẽ được huyện hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu với mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng.
UBND huyện Cần Giờ khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với các sản phẩm chủ lực.
Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai (Cần Giờ) chia sẻ, để có sự phát triển của HTX như hiện nay là nhờ sự phối hợp với địa phương. Hiện, HTX Cần Giờ Tương Lai mỗi ngày sản xuất trung bình 2 tấn cá khô các loại, chế biến 3kg tổ yến cung cấp cho các cửa hàng, hệ thống siêu thị và trường học trên địa bàn huyện.
Để xây dựng được thương hiệu, HTX hướng đến đầu tư thiết bị máy móc, kho lạnh, chủ động tăng mua sản phẩm cho nông dân cũng như sẵn sàng nguồn sản phẩm chất lượng, an toàn. HTX đã có hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản và đang trong làm thủ tục. Trong thời gian tới, HTX mở rộng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Hình thành chuỗi liên kết
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM của thành phố có 80 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.410 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.
Chất lượng hoạt động của HTX đang dần được nâng lên, cụ thể: Quy mô vốn bình quân năm 2019 hơn 4 tỷ đồng/HTX, doanh thu bình quân năm 2019 hơn 17 tỷ đồng/HTX... Lợi nhuận bình quân năm 2019 là 336 triệu đồng/HTX...
Giá trị sản xuất của các HTX nông nghiệp năm 2019 đạt 545 tỷ đồng, đóng góp 2,57% tổng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp toàn thành phố (21.160 tỷ đồng).
Theo bộ tiêu chí về NTM đặc thù vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay, TP.HCM có 56/56 xã đánh giá đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
Đánh giá của Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, nhận thức về kinh tế tập thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân 56 xã NTM qua 10 năm đã có những bước chuyển biến tích cực. Với sự hình thành và phát triển của mô hình HTX kiểu mới, trên địa bàn thành phố đã hình thành chuỗi liên kết "Hộ nông dân - HTX - Doanh nghiệp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.