Đất vàng đền bù giá rẻ mạt
Theo hồ sơ PV có được, ngày 13.10.2015, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 412/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Theo quyết định này, nhà nước sẽ thu hồi hơn 51ha đất nông nghiệp, giao cho Công ty Hacom Holdings thực hiện dự án.
Người dân phường Mỹ Bình “xây nhà” chờ đền bù. h.dNgười dân phường Mỹ Bình “xây nhà” chờ đền bù. Ảnh: H.D
Để thực hiện dự án, có 500 hộ dân bị thu hồi đất với 2.000 nhân khẩu, trong đó có 550 lao động nông nghiệp. Đây là khu vực chuyên canh nông sản chất lượng cao (chủ yếu là cây nha đam-NV) giữa đô thị Phan Rang hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trong 51ha bị thu hồi, chỉ có 1,93ha được xác định là đất ở đô thị, nhưng giá bồi thường rất thấp (từ 700.000 - 800.000 đồng/m2). Đất nông nghiệp còn thấp hơn nữa, chỉ 70.000 đồng/m2 (theo bảng giá đất năm 2015 do UBND tỉnh công bố).
Khảo sát của PV trên các trang chuyên về giá nhà đất, tại vị trí khu phố 6, phường Mỹ Bình (khu vực có dự án), đất nông nghiệp hiện được giao dịch với giá 1 triệu đồng/m2, đất thổ cư từ 6 - 12 triệu đồng/m2.
Theo phân tích của luật sư Võ Đức Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM), đây là dự án kinh doanh của doanh nghiệp thì phải để doanh nghiệp thỏa thuận với dân theo giá thị trường, áp giá nhà nước là không hợp lý.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Trác - Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình – khẳng định: “Đất trồng nha đam ở đây cho năng suất 50 - 60 tấn/ha/tháng, trừ những lúc thời tiết không thuận lợi, mỗi năm người dân cũng thu hoạch được khoảng 10 tháng, nhân lên là ra sản lượng cả năm”. Mỗi ha cho năng suất khoảng 550 tấn/năm, mỗi m2 đất ở đây cho khoảng 55kg nha đam. Với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg (ở thời điểm thấp nhất), 1 năm, mỗi m2 trồng nha đam dân vẫn thu được gấp đôi giá tiền bồi thường!
Thế nhưng, để lấy đất dân, nhà đầu tư đã làm một bảng thuyết minh tổng hợp trình UBND tỉnh Ninh Thuận, nội dung trái ngược thực tế. Cụ thể, tại trang 11 bảng thuyết minh, nhà đầu tư cho rằng thực hiện dự án tại khu ruộng trũng, thường xuyên ngập nước về mùa mưa (?). Trong khi đó, khảo sát thực tế của PV cho thấy, khu vực này là vùng đất cao, chưa từng ngập lụt bao giờ. Đất cao nên dân phải đào giếng mới lấy được nước.
Không chỉ thu hồi đất với giá rẻ mạt, địa phương còn làm lợi cho nhà đầu tư bằng cách áp giá bồi thường hoa màu trên đất bằng bảng giá ban hành cách đây 5 năm. Ông Võ Thơm, một nông dân bị thu hồi đất, phân tích: Theo Quyết định 412/QĐ-UBND do ông Võ Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký, việc bồi thường, hỗ trợ về hoa màu, cây ăn trái, đơn giá sẽ theo Quyết định số 204/2010/QĐ-UBND ngày 4.3.2010 của UBND tỉnh. Theo giá này, nha đam loại đang thu hoạch chỉ bồi thường 7.000 đồng/m2 - tương đương giá trị 3kg nha đam! Đối với nha đam mới trồng, mức bồi thường là... 4.000 đồng/m2. “Muốn trồng mới phải đầu tư gần 20.000 đồng/m2. Chúng tôi không hiểu ông Võ Đại căn cứ vào đâu mà ra cái đơn giá rẻ mạt kiểu này” - ông Võ Thơm bức xúc.
Xây nhà để… đập đi
Trả lời PV NTNN, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã chỉ đạo UBND TP.Phan Rang kiểm tra việc dân xây nhà đón gió để xử lý. Về giá đất, lý giải nguyên do không để nhà đầu tư thỏa thuận với dân, ông Vĩnh nói: “Cái này thuộc về chuyên môn. Đề nghị anh hỏi nhà đầu tư, tôi không trả lời được”.
|
Để đối phó với việc đền bù giá đất quá thấp, người dân trong vùng dự án chạy đua “cất nhà đón gió” (một kiểu xây nhà cho có để chờ kiểm đếm, giải tỏa, lấy tiền đền bù – NV). Chỉ trong vòng 2 tuần, cả xóm có hơn trăm cái nhà mọc lên. Tương tự, giếng khoan, hồ chứa nước bê tông cũng được xây dựng chi chít. Người dân cật lực đốn cây, phá bỏ nha đam, nhổ măng tây để nhường chỗ cho các công trình bê tông “chờ giải tỏa”.
“Không biết chính quyền biết không, nhưng chúng tôi làm rầm rộ không có ai ngăn cản. Người dân vay nóng để xây nhà. Tiền đền bù tiếng là của nhà đầu tư nhưng sau này khấu trừ, nhà nước chịu nên nhà đầu tư cũng không có ý kiến gì” - một người dân nói.
Dắt chúng tôi đi thăm vườn nhà đam đã bị phá tan hoang, ông Cao Văn Quang (64 tuổi) nói như mếu: “Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Vườn cây trồng quanh nhà đầy kỷ niệm. Vậy mà mấy tuần rồi tôi phải dùng cưa máy đốn cho nhanh, rồi xây mấy cái hồ nước bê tông, xây thêm giếng. Vườn nha đam này năng suất nhất nhì trong xóm, giờ cũng phải nhổ bỏ để xây tầm bậy tầm bạ lên đó, chờ đền bù. Cái nhà mới xây đằng kia là của con tôi, tôi gọi là cái chuồng gà, vì xây đâu phải để ở”.
Khắp xóm ông Quang, xe cộ vào ra tấp nập, không phải để chở nông sản mà là chở toàn vật liệu xây dựng. Loại rẻ tiền, để xây cho nhanh. “Xây nhanh sau này phá dễ” - ông Quang giải thích, ánh mắt buồn hiu.
Trao đổi với PV về việc dân đua nhau xây nhà “đón gió”, ông Nguyễn Đăng Mười - Bí thư phường Mỹ Bình cho biết, địa phương có biết, có tuyên truyền nhưng dân không nghe: “Dân xây nhà ồ ạt, chúng tôi không cản được. Họ xây kiểu này để được đền bù nhưng cơ quan chức năng sẽ lập biên bản. Chúng tôi lập biên bản nhưng họ vẫn cứ xây dựng. Chắc sắp tới sẽ phải cưỡng chế tháo dỡ và sẽ không bồi thường. Như vậy dân sẽ thiệt hại. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ địa chính tiến hành kiểm kê, nếu căn nhà nào được xây dựng sau thời điểm thông báo quyết định phê duyệt phương án xây dựng khu đô thị, sẽ phải lập biên bản hết” - ông Mười nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.