Mỹ, Nhật, Úc đã đồng thời ra tuyên bố chung, mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đảo phi pháp trên Biển Đông sau cuộc họp 3 bên bên lề Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore.
Tuyên bố chung nói trên cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ, Nhật, Úc kiên quyết phản đối các hành động đơn phương sử dụng vũ lực để ép buộc hoặc làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật (từ trái qua phải) Ashton Carter, Kevin Andrews và Gen Nakatani
Tuyên bố được đưa ra ngay sau bài diễn văn được giới quan sát nhận định là "thông điệp thông minh chứng tỏ sự quyết tâm của Mỹ về vấn đề an ninh ở Biển Đông” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La.
Các học giả tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng, bài diễn văn của ông Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La đã thể hiện lập trường “cương quyết mà hợp lý” của Mỹ trong vấn đề an ninh ở Biển Đông.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Carter vừa kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông một cách hòa bình, vừa đồng thời gửi tới Trung Quốc thông điệp cứng rắn rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện đáng kể trong khu vực và sẽ rót hơn nửa tỷ USD để củng cố các tiềm lực hải quân của nước này tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Mỹ dự định nâng cấp kho vũ khí của các lực lượng đóng tại châu Á - Thái Bình Dương với các hệ thống không người lái mới trên biển lẫn trên không, máy bay ném bom tầm xa, súng điện từ, laser railgun...
Một số trong những tốt nhất và các thiết bị mới nhất, như P-8 Poseidon máy bay và tàu ngầm lớp Virginia của hải quân, cũng sẽ được đưa đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Carter cũng tái khẳng định, Washington sẽ tiếp tục duy trì chiến lược xoay trục về châu Á trong những thập kỷ tới và do đó, Mỹ có một kế hoạch trị giá tới 425 triệu USD để giúp các nước Đông Nam Á tăng cường tiềm lực hàng hải thông qua các cuộc tập trận quân sự chung và nâng cấp vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, súng điện từ railgun...
Máy bay trinh sát P-8 Poseidon và tàu ngầm lớp Virginia tốt nhất, mới nhất cũng sẽ được Lầu Năm góc triển khai tới châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 ngày 30.5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Tokyo trước những hành động xây dựng phi pháp với tốc độ nhanh chóng và quy mô lớn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, với hành động này, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Do đó, nếu không có sự giám sát của cộng đồng quốc tế, các thách thức an ninh trong khu vực sẽ không bao giờ được giải quyết dẫn đến trật tự sẽ bị rối loạn và hòa bình, ổn định sẽ bị phá vỡ. Cuối cùng, Bộ trưởng Gen Nakatani kêu gọi Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cũng nhấn mạnh tại Đối thoại Shangri-La rằng, nước này đặc biệt quan ngại về các hoạt động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Andrews nhắc lại sự phản đối của Úc đối với mọi nỗ lực nhằm "thay đổi hiện trạng" ở Biển Đông hoặc bất kỳ động thái nào có nguy cơ thổi bùng căng thẳng trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews phát biểu tại Đối thoại Shangri-La
Về phần Trung Quốc, đáp trả sau khi bị "tấn công" dồn dập tại Đối thoại Shangri-La, hôm nay (31.5) Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng, nước này sẽ không dừng việc cải tạo đảo trên Biển Đông. Ông Tôn cũng ngụy biện rằng, “tình hình Biển Đông nhìn chung là hòa bình và ổn định, và tại đây, chưa bao giờ có vấn đề gì về an toàn hàng hải”.
"Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng tại một số đảo và bãi đá trên Biển Đông, chủ yếu nhằm mục đích tăng khả năng hoạt động của các đảo và bãi đá này, nâng cao điều kiện sống và làm việc cho các cá nhân sống tại đó”, ông Tôn ngụy biện.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc
Ngoài ra, ngầm ám chỉ Mỹ, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhấn mạnh, các nước không nên “rơi vào tiêu chuẩn kép và đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm... để chống nước thứ ba”.
“Các nước lớn nên có trách nhiệm, không lôi kéo bên này chống bên khác còn nước nhỏ thì không nên kích động làm ảnh hưởng tới an ninh khu vực", ông Tôn ngang ngược tuyên bố.
Theo trang South China Morning Post, giới quan sát nhận định, tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Trung Quốc có vẻ đã hạ giọng so với các những kỳ hội nghị an ninh trước đó sau khi chiến thuật tranh cãi lớn tiếng và quyết liệt của nước này tại Shangri-La hồi năm ngoái bị cho là không thành công.
Trong khi đó, hãng tin BBC dẫn lời chuyên gia phân tích Chris Nelson, nhà quan sát từng tham dự nhiều cuộc Đối thoại Shangri-La bình luận rằng, dù so với những lần trước, năm nay Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng hơn song họ lại kín tiếng hơn và chính thái độ đó càng làm tăng nghi ngờ và chỉ trích về các ý đồ của Bắc Kinh.
Giới chuyên gia còn cho rằng, với bài phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội giải thích và trấn an những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình cải tạo và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà nước này đang tiến hành bất chấp sự phản đối của nhiều nước.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc lần đầu cử một đô đốc dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore năm nay cho thấy Bắc Kinh đã phòng bị sẵn sàng để đối phó với sự phản đối quốc tế đối với kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo trái phép “với một tốc độ chưa từng có” ở Biển Đông của nước này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.