Trung Quốc nói đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi vì lợi ích lâu dài.
Khi Clement Mouamba đến Bắc Kinh hồi năm ngoái, ông có hai nhiệm vụ chính. Thủ tướng CH Congo cần phải hỏi rõ xem quốc gia còn nợ Trung Quốc bao nhiêu và thuyết phục Trung Quốc tái cơ cấu các khoản nợ để đảm bảo phát triển bền vững.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã ngừng cho CH Congo vay thêm tiền, trừ khi chính quyền Mouamba nêu rõ họ đang nợ nước ngoài bao nhiêu, bao gồm cả khoản nợ từ Trung Quốc.
Nguồn thu của CH Congo chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Quốc gia này đã quay sang nhờ cậy đến Trung Quốc, khi giá dầu năm 2014 đang đạt mức 100 USD/thùng, bất ngờ tụt xuống mức 30 USD/thùng.
Đến nay, CH Congo đã tái cơ cấu khoản nợ Trung Quốc 2,5 tỉ USD, bằng cách gia hạn trả nợ thêm 15 năm.
Đó chỉ là trường hợp điển hình trong hàng loạt các trường hợp khác, khi các quốc gia châu Phi đón nhận khoản cho vay hào phóng của Trung Quốc và loay hoay trả nợ.
Ethiopia đang nợ Trung Quốc 3,3 tỉ USD tiền vay xây đường sắt, trong khi Zambia cũng nợ số tiền tương tự để xây sân bay và đường cao tốc.
Tuyến đường sắt Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Kenya.
Giới phân tích nhắc đến chuyện các hợp đồng Trung Quốc ký với quốc gia châu Phi không bao giờ được công bố, không ai rõ có các điều khoản gì trừ những bên liên quan.
Phía Trung Quốc cho rằng, việc các nước châu Phi chìm trong nợ do nhiều yếu tố và những gì Trung Quốc làm có lợi cho các nước này về lâu dài.
Obert Hodzi, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Helsinki ở Phần Lan, nói tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti hay Mombasa-Nairobi là những ví dụ điển hình của việc Trung Quốc cho vay một cách quá dễ dàng, nhưng nguồn thu không đạt như kỳ vọng, buộc các quốc gia châu Phi lại phải nhờ Trung Quốc giúp.
“Vấn đề đáng lo ngại là các nước châu Phi sẽ chìm trong nợ. Họ nắm trong tay cơ sở hạ tầng mà họ không biết cách vận hành hay tạo ra lợi nhuận từ chúng”, Hodzi nói. “Nó giống như việc vay tiền mua xe điện Tesla, nhưng điện lưới còn chưa được phổ cập”.
Ken Opalo, một học giả Kenya đến từ Đại học Georgetown, ở Washington, Mỹ, nói, vấn đề là các nước châu Phi không xác định được đâu là những dự án cốt lõi cần ưu tiên.
Nhiều quốc gia sẵn sàng nhận khoản vay, thông qua dự án của Trung Quốc mà không đánh giá xem dự án có cần thiết hay không, Opalo nói.
Ngược lại, phía Trung Quốc nói họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo đề nghị của các nước châu Phi, và dĩ nhiên, những dự án tham vọng cần thời gian trước khi sinh lời.
Nhà ga đường sắt Mombasa ở Mombasa, Kenya, năm 2018.
Huang Xueqing, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi, Kenya, nói; “Giống như việc mua nhà khi còn trẻ. Bạn có thể nợ, nhưng có nơi ở riêng và có tài sản riêng”, Huang nói.
“Các nước châu Phi cần xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển. Nhiều quốc gia trong cùng lục địa còn không có đường bộ, đường sắt hay đường bay trực tiếp. Các dự án sẽ giúp cả khu vực phát triển”, Huang giải thích.
Huang nói chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh, rằng các nước châu Phi đánh giá xem dự án có phù hợp với tình hình địa phương hay không.
Howard French, chuyên gia nghiên cứu về châu Phi, nói Trung Quốc cần phải làm rõ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. “Các nước châu Phi cần phải làm rõ các hợp đồng, nhưng nhiều khi họ không làm vậy vì các lãnh đạo coi thỏa thuận là cơ hội để kiếm lời riêng”.
David Shinn, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington ở Washington, cũng đồng tình rằng, Trung Quốc cho vay nhưng không ai biết các điều khoản đằng sau là một vấn đề lớn. Nhưng cũng có trường hợp, chính phủ các nước châu Phi đã quá dễ dãi, không ép buộc Trung Quốc để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn.
Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh StarTimes đang từng bước xâm chiếm thị trường châu Phi và được hậu thuẫn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.