Hình tượng Quan Vũ trong phim truyền hình Trung Quốc.
Năm 1996, một đội xây dựng ở Hồ Nam, Trung Quốc đã tình cờ phát hiện ra một giếng cổ, bên trong chứa những chiếc thẻ tre toàn là chữ cổ. Người phụ trách việc thi công ngay lập tức liên hệ với cơ quan di tích văn hóa của tỉnh.
Sau 7 ngày khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện hơn 140.000 những chiếc thẻ tre bên trong giếng cổ sâu 6 mét.
Căn cứ vào vị trí địa lý ở nơi khai quật, cũng như niên đại của các thẻ tre, các nhà khảo cổ xác định khu vực này từng thuộc địa giới của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc.
Các ký tự khắc trên thẻ tre phác họa chi tiết mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của nhà Đông Ngô, trong triều đại của Tôn Quyền.
Theo Sohu, phát hiện này được coi là "một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20".
Những tấm thẻ tre được các nhà khảo cổ khai quật.
Những tấm thẻ tre phác họa cuộc sống của người dân trong lãnh thổ Đông Ngô khi đó rất khó khăn. Do chiến tranh liên miên, đàn ông phải đi lính, để lại phụ nữ và con nhỏ. Những người phụ nữ này phải làm cả công việc nặng nhọc của đàn ông, vừa nuôi dạy con cái, kiếm tiền đóng thuế cho triều đình.
Ngoài ra, một trong những thông tin quan trọng nhất chép trong những tấm thẻ tre là lý do Tôn Quyền quyết giết Quan Vũ.
Năm 219, Quan Vũ dẫn 3 vạn quân lên phía bắc đánh Tào Ngụy, lập chiến công đả bại Vu Cấm và chém đầu Bàng Đức, vây hãm Tào Nhân. Tình hình nguy cấp đến mức Tào Tháo toan đưa Hán Hiến Đế rời khỏi kinh đô Hứa Xương.
Tuy nhiên, theo kế của Tư Mã Ý, thay vì rời khỏi kinh đô, Tào Tháo lệnh cho Từ Hoảng đem quân đánh Quan Vũ, giải vây cho Tào Nhân.
Chớp thời cơ này, Tôn Quyền nghe theo Lã Mông, xuất đại quân đánh Kinh Châu, khiến Quan Vũ chịu hai mũi giáp công từ Đông Ngô và Tào Ngụy.
Tôn Quyền làm hoàng đế Đông Ngô gần 23 năm (229-252).
Kết quả là Đông Ngô dễ dàng chiếm Kinh Châu, bắt sống Quan Vũ, nhưng điều này khiến Tôn Quyền rơi vào thế khó.
Quan Vũ vốn đã uy danh lẫy lừng, đóng quân ở Kinh Châu nhiều năm, lại càng thu phục được lòng dân. Nếu thả Quan Vũ về thì chẳng khác nào "thả hổ về rừng". Quan Vũ sau khi trở về Thục nhất định sẽ tổ chức lại lực lượng, thống lĩnh đại quân nhằm đòi lại Kinh Châu.
Tôn Quyền cũng không thể giam cầm Quan Vũ lâu vì dân chúng Kinh Châu sẽ càng nổi loạn. Hơn nữa, sớm muộn Lưu Bị cũng sẽ tìm cách giải cứu Quan Vũ.
Theo nội dung chép trong những tấm thẻ tre, sau khi hội ý với quân thần, Tôn Quyền đã ra lệnh giết Quan Vũ, để diệt trừ hậu họa, cũng như để ổn định hoàn toàn Kinh Châu. Có thể nói rằng đây là quyết định chỉ có lợi, không có hại.
Không lâu sau khi Quan Vũ chết, Lưu Bị xuất đại quân đến báo thù nhưng lại bị Lục Tốn đánh bại. Có thể nói, đối với lợi ích của Đông Ngô, Tôn Quyền giết chết Quan Vũ là quyết định đúng đắn, theo Sohu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.