Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Văn Thanh (quận 3) về tình trạng ngập nước, ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố nói: “Cuối năm nay, thành phố còn 31 điểm ngập nước. Năm sau, theo kế hoạch sẽ xoá 10 điểm”.
|
Mọi cố gắng của chính quyền TP.Hồ Chí Minh vẫn không thể giải quyết triệt để vấn đề úng ngập. |
Ông Thảo giãi bày: “Hai năm gần đây, lượng mưa ở thành phố tăng mạnh đến 40% so với trước, cộng với triều cường có diễn biến phức tạp nên mọi cố gắng của ngành vẫn không giải quyết triệt để nạn úng ngập.
Cụ thể, chúng tôi đã tiếp nhận 100 tuyến kênh thoát nước do các ban ngành xây dựng, cải tạo xong giao lại với hơn 200km mà vẫn chưa thoát nổi. Năm 2012, Trung tâm tiếp tục nhận thêm 72 tuyến kênh nữa nhưng chỉ dám đưa ra chỉ tiêu xoá 10/31 điểm ngập còn lại”.
Nhưng ông Nguyễn Thanh Chín - chủ toạ phiên họp có vẻ chưa hài lòng: “Anh Thảo nên nói rõ 10 điểm đó là điểm nào, ở đâu để nhân dân theo dõi, giám sát”. Ông Thảo kể: “Đó là đường Ung Văn Khiêm, Vũ Tùng (Bình Thạnh), đường Phan Anh (Tân Phú), An Dương Vương, Hậu Giang (quận 6), Quang Trung (Gò Vấp), Quốc lộ 1A (quận 12), Gò Dưa (quận Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (quận 9)…”.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Lê Thành Tâm có vẻ nhẹ nhàng hơn khi chỉ nhận được yêu cầu giải thích về chỉ tiêu “tỷ lệ thất nghiệp dưới 5,1%”.
Ông Tâm nói: “Năm 2011, thành phố còn 170.000 người thất nghiệp. Hàng năm, dự kiến số lao động mới ra trường khoảng 140.000 người, vị chi 310.000 lao động. Năm 2012, thành phố giải quyết việc làm cho khoảng 265.000 đến 280.000 người. Như vậy, có khoảng dưới 5% lao động thất nghiệp”.
Theo ông Tâm, những người đến tuổi lao động có nhu cầu đi làm mà không có việc mới gọi là thất nghiệp. Có nghĩa, các đối tượng không làm việc không được tính ở đây.
Liên quan đến việc thiếu hụt giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết, sau tổng kết năm học 2010-2011, ngành giáo dục thành phố còn thiếu nhiều giáo viên so với chỉ tiêu của Bộ đưa ra. Cụ thể, giáo viên mầm non đạt tỉ lệ 1,19 giáo viên/lớp so với chỉ tiêu của Bộ là 1,20.
Tương tự, tỷ lệ giáo viên trung học cơ sở là 1,86/1,9; giáo viên trung học phổ thông là 2,18/2,25. Giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, an ninh quốc phòng… thiếu nhiều nhất.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã thông qua 13 Nghị quyết bao gồm: Nghị quyết về bảng giá các loại đất công bố ngày 1.1.2012, Nghị quyết về dân số và kế hoạch hoá gia đình; Nghị quyết về thu phí và lệ phí trước bạ đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi; Nghị quyết về thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn TP.HCM; Nghị quyết về chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định…
Liên quan đến giáo dục, một nữ đại biểu của quận Bình Thạnh bức xúc: “Vấn đề tăng học phí ở các cấp học trong cuộc họp vừa rồi đã đề cập nhưng vẫn chưa được giải quyết nên tôi vẫn tiếp tục kiến nghị”. Theo đại biểu này, mức thu học phí đang áp dụng hiện nay đã ban hành cách đây… 20 năm!
“Với mức thu 15.000 đồng/học sinh/tháng và 30.000 đồng/năm/học sinh tiền cơ sở vật chất thì tôi bảo đảm không có trường nào mà không lạm thu. Đó là nguyên nhân chính đẩy các trường vào việc làm sai quy định” - đại biểu này nói.
Vấn đề quá tải tại các bệnh viện công, đại diện Sở Y tế nêu giải pháp khá… lửng lơ: “Năm 2012, các bệnh viện toàn thành phố cố gắng lắm mới đạt 31.473 giường bệnh. Với tốc độ tăng dân số cơ học thì năm sau thành phố sẽ có khoảng 7,6 triệu người, bình quân 41,5 giường bệnh/1.000 dân”.
Sơn Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.