Trách nhiệm pháp lý trong vụ xe khách tông ô tô dừng đỗ trên cao tốc khiến 2 người tử vong
Trách nhiệm pháp lý trong vụ xe khách tông ô tô dừng đỗ trên cao tốc khiến 2 người tử vong
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 22/09/2024 09:46 AM (GMT+7)
Xe khách Phương Trang tông phía sau xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người tử vong tại chỗ, nhiều người bị thương. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Vào thời điểm trên, xe giường nằm Hồng Sơn ở tỉnh Phú Yên đang dừng theo hướng từ Hà Nội vào TP.HCM trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết do bị hư hỏng động cơ, cách dải dừng khẩn cấp khoảng 1km.
Lúc này, xe khách Phương Trang chạy cùng chiều từ phía sau đã tông vào đuôi xe Hồng Sơn. Cú tông quá mạnh đẩy xe khách phía trước trượt đi một đoạn dài, 2 người trên xe Phương Trang tử vong tại chỗ và bị kẹt trong xe.
Đến 3h30 sáng nay, lực lượng cứu hộ mới đưa được 2 thi thể nạn nhân trên xe Phương Trang gồm một nam, một nữ ra ngoài. Được biết có khoảng 10 hành khách trên xe Phương Trang bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Hiện vụ tai nạn đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận thụ lý, xử lý theo quy định.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến 2 người tử vong, nhiều người bị thương và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết luận của cơ quan chức năng cho thấy đã có hành vi thiếu chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Trường hợp cơ quan chức năng xác định lỗi hỗn hợp, hành vi dừng đỗ xe cũng không đúng quy định pháp luật, người điều khiển xe ô tô khách này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ tốc độ xe, khả năng quan sát của lái xe và làm rõ việc dừng đỗ xe của xe khách bị đâm có đúng quy định pháp luật hay không để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn, xác định lỗi của người điều khiển phương tiện làm căn cứ giải quyết vụ việc.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng làm rõ danh tính của 2 nạn nhân trong vụ tai nạn, đồng thời làm rõ danh tính của hai người điều khiển phương tiện để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Về nguyên tắc, người nào tham gia giao thông đường bộ có lỗi gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng, người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý, trừ trường hợp người đó tử vong, vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra với họ.
Còn trường hợp vụ tai nạn xảy ra là do yếu tố khách quan, không bên nào có lỗi thì không khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố bị can.
Bên cạnh đó, trong vụ việc này, bên nào bị xác định có lỗi, ngoài việc chịu có thể chịu trách nhiệm hình sự còn phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút đối với những người bị thương tích, và bồi thường tổn thất về tinh thần và bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật.
Đối với nạn nhân đã tử vong còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được có quyền đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.