Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đề nghị dừng dự án.
Đề nghị dừng dự án
Tại buổi phản biện, đại diện Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết, khi quyết định đầu tư vào dự Marina Complex, công ty biết rằng các dự án ven sông, ven biển đều phải đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với việc thoát lũ dòng chảy. Đại diện công ty cho hay, tất cả các vấn đề này đều được các cơ quan chức năng, nhà khoa học giải quyết triệt để trước khi phê duyệt quy hoạch nên mong dư luận hiểu đúng bản chất vấn đề.
Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đề nghị thành phố không nên triển khai dự án lấn sông Hàn này.
Theo ông Tiếng, dự án Marina Complex sẽ làm cho mỹ quan đô thị thành phố bị tổn thương nghiêm trọng, gây cản trở dòng chảy trên dòng sông Hàn. Ông Tiếng cho rằng, không nên ngại khó mà bất chấp dư luận, bất chấp lẽ phải mà chọn phương án không xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững.
KTS Phan Đức Hải cho biết, 20 năm trước “sức nóng” của đô thị hóa và “dải lụa sông Hàn” đã bị chèn ép bởi nhiều dự án phân khúc manh mún trong quy hoạch ngắn hạn, "qua nhiều giai đoạn chỉnh sửa và xây dựng đã lấn sông lấn biển rất nhiều chứ chẳng riêng dự án này".
Tuy nhiên, dự án Marina Complex bị phản ứng vì đây là khu vực tiếp tục làm thu hẹp lòng sông thêm 60 ÷100m. Hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác tạo cảnh quan dòng sông xấu đi.
“Việc Sở Xây dựng khẳng định dự án bất động sản và bến du thuyền không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn đặc biệt là trong mùa mưa lũ theo chúng tôi là chưa thỏa đáng", KTS Hải nói.
KTS Hải cho biết thêm: "Sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt, phía cửa sông ban đầu chỉ rộng 700m, qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông".
Ông Trần Văn Thiết - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, dự án Marina Complex là dự án thứ 5 lấn sông Hàn. Đây không phải lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay Đồng bằng sông Cửu Long là những bài học về hậu quả của việc lấn sông còn đó.
Ông Thiết đề nghị, lãnh đạo thành phố cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được, mất để điều chỉnh. “Nếu bất chấp quy luật tự nhiên sẽ bị trừng phạt”, ông Thiết nói thêm.
Lấn sông không làm thay đổi nhiều về dòng chảy?
TS Lê Song Giang - Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM cho biết, kết quả tính toán cho biết việc san lập khu dự án không gây bất lợi cho việc thoát lũ của sông Hàn.
Trong khi đó, các chuyên gia khoa học về thủy lợi cho biết, qua nghiên cứu, dự án lấn sông Hàn không làm thay đổi nhiều về dòng chảy trên sông Hàn.
TS Lê Song Giang - Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM cho biết, kết quả tính toán cho thấy việc san lập khu dự án không gây bất lợi cho việc thoát lũ của sông Hàn, đồng thời mô phỏng dựa trên các trận lũ lịch sử không cho thấy một thay đổi rõ rệt của dòng chảy ngay tại trụ cầu.
Theo TS Giang, thay đổi bất lợi đáng kể nhất chính là vận tốc tại đầu đê gia tăng khoảng 13-14cm/s. Có một số khu vực khác cũng gia tăng vận tốc những bình thường vận tốc tại đó rất nhỏ nên gia tăng vận tốc 10-20cm/s không có ý nghĩa.
TS Lê Hùng - Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng nhận định, qua kết quả đánh giá tác động có thể thấy mức độ ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh là không lớn.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Trung Ương MTTQVN lại cho rằng: "Phát triển phải chấp nhận đánh đổi, phải có luận cứ khoa học chứ không cảm tính, có cái nhìn tổng thể… Tâm lý hiện nay khá nặng nề rằng lợi ích nhà đầu tư ăn hết còn dân chả được gì".
“Chính quyền cần có thái độ nghiêm túc. Doanh nghiệp là lực lượng thúc đẩy cho sự phát triển. Chính quyền Đà Nẵng cần phải có ứng xử sớm. Đề nghị chính quyền phải nhìn người đầu tư như một cơ hội để phát triển, xử lý trên tinh thần để giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai”, ông Thiên kiến nghị.
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, dự án Marina Complex có trong quy hoạch chung do Thủ tướng Phê duyệt 2013 được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà, do thành phố phê duyệt 2017. Dự án đã hoàn thành các tác động môi trường, các quy hoạch chi tiết, ranh giới phần lấn sông của dự án được xác định trên cơ sở tuyến kè Mân Quang nối tiếp tuyến kè Bạch Đằng Đông, là dự án được thực hiện theo chương trình phòng chống Biến đổi khí hậu, chống sạt lỡ toàn bộ khu vực bờ sông phía Đông sông Hàn.
Dự án đã được thống nhất của các sở ban ngành và Bộ NNPTNT nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông. Trước kiến nghị của người dân, các nhà khoa học và dư luận, thành phố đã kịp thời tạm dừng dự án để rà soát, mục đích tìm kiếm giải pháp quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
"Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, thành phố sẽ trao đổi với nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, tăng cường diện tích không gian công viên cây xanh, cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn, đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng nhất có thể. Bổ sung các công trình công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách", ông Dũng kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.