“Trái đắng” từ trồng mít Thái, từ chỗ lãi đậm nay "bỏ thì thương, vương thì tội"

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 18/06/2021 09:30 AM (GMT+7)
Diện tích trồng mít Thái tại nhiều tỉnh ĐBSCL đã tăng khá nhanh trong thời gian ngắn, khiến việc tiêu thụ của nông dân hiện gặp nhiều khó khăn. Cộng với tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ mít Thái của người dân từ 20-30 triệu đồng/tấn giờ rớt xuống chỉ còn từ 2-3 triệu đồng.
Bình luận 0

Diện tích trồng mít Thái tăng "chóng mặt"

Theo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL, vài năm gần đây, diện tích trồng mít Thái tăng rất nhanh, nhất là ở tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, TP.Cần Thơ... 

Riêng ở Hậu Giang, trong 3 năm gần đây (từ 2017 - 2020), diện tích đất trồng mít đã tăng từ 739ha lên đến gần 7.000ha. Trong đó, huyện Châu Thành là địa phương có diện tích trồng mít lớn nhất, với khoảng 5.190ha.

Số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho thấy, tổng diện tích mít (chủ yếu là mít Thái) ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch tính đến tháng 4/2021 là khoảng hơn 39.000ha.

Tuy chỉ mới phát triển trong những năm gần đây nhưng diện tích cây mít Thái đã vượt qua diện tích của một số cây ăn trái đã phát triển từ trước đó nhiều năm như thanh long (hơn 25.300ha), chôm chôm (hơn 19.500ha), nhãn (30.200ha), sầu riêng (hơn 36.100ha)…

gop/“Trái đắng” từ trồng mít Thái - Ảnh 1.

Nông dân ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bán mít Thái cho thương lái. Ảnh: Duy Khánh

Còn dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đầu năm 2019, mít là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 8 trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (sau thanh long, sầu riêng, xoài, chuối, dưa hấu, nhãn và măng cụt), với kim ngạch đạt hơn 25,8 triệu USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đến đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mít đã vượt lên vị trí thứ 5 trong số các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (sau thanh long, xoài, chuối và dưa hấu), với kim ngạch đạt gần 31,3 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Về phân khúc sản phẩm đã qua chế biến, đầu năm 2020, mít đã xuất hiện trong danh mục thống kê của Tổng cục Hải quan với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,2 triệu USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mít tiếp tục vượt lên vị trí thứ 4 trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, chỉ sau thanh long, xoài và chuối, đạt gần 52 triệu USD, tăng tới 66,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với sản phẩm đã qua chế biến, kim ngạch xuất khẩu mít đạt trên 5,7 triệu USD, tăng tới 74,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

gop/“Trái đắng” từ trồng mít Thái - Ảnh 2.

Nông dân bao trái cho mít Thái để hạn chế sâu bệnh. Ảnh: Duy Khánh

Do người dân không trồng mới diện tích mít Thái nên giá cây giống giảm mạnh, chỉ còn từ 15.000 - 20.000 đồng/cây (tùy lớn nhỏ) so với 35.000 - 45.000 đồng/cây trước đó.

Nhiều vựa cây mít giống cho hay, tuy giá bán giảm nhưng tiêu thụ cũng khá khó khăn, phải vận chuyển đi nhiều nơi giới thiệu, quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội mà vẫn "ế".

Những con số này cho thấy, từ năm 2019 đến nay, tốc độ phát triển xuất khẩu mít vô cùng ấn tượng. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy việc phát triển sản xuất mít (chủ yếu là mít Thái) ở ĐBSCL gia tăng rất nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - chủ vựa thu mua mít ở Tiền Giang thông tin, nhu cầu tiêu thụ mít Thái từ phía Trung Quốc trong những năm qua liên tục tăng mạnh, từ đó thúc đẩy diện tích trồng mít Thái trong dân tăng. Nhiều vựa thu mua mít lớn, nhỏ theo đó cũng hình thành. 

"Ở Tiền Giang, nếu so với cách đây khoảng 3 năm, số lượng các cơ sở chuyên thu mua, tiêu thụ mít Thái cho người dân có thể tăng gấp 3 lần" - ông Kỳ nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc cho biết, từ trước đến nay, đa số mít Thái được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ mít Thái ở Trung Quốc là rất lớn.

Giá mít Thái giảm mạnh, chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/tấn

Theo nhiều người dân, nguyên nhân diện tích mít Thái tăng là do dễ trồng, giá bán cao, thậm chí vào những lúc cao điểm, mỗi trái mít loại nhất có thể bán với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Một công (1.000m2) mít Thái có thể cho doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Do diện tích tăng, phía nhà nhập khẩu có nhiều sự lựa chọn, cộng với sự tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá mít Thái ngày càng giảm mạnh và hiện ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. 

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, mỗi tấn mít Thái, nông dân có thể thu 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, giá 1 tấn mít chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng!

Cụ thể, giá mít Thái tại vườn đang được thương lái thu mua ở mức 10.000 đồng/kg đối với mít loại nhất, khoảng 6.000 đồng/kg mít loại nhì và 3.000 đồng/kg mít loại ba. 

Giá mít không những giảm mạnh mà cách lựa, phân loại mít Thái của các thương lái và chủ vựa cũng rất khắt khe. Phần lớn 80 - 90% lượng mít thu hoạch đều rơi vào mít kem, giá thu mua tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Anh Lê Văn Phố (ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, những năm trước đây, giá mít luôn ở mức cao nhưng năm nay thì liên tục rớt mạnh. 

Cách thu mua mít ngày càng theo hướng "ép" nông dân, khiến hầu hết bà con thua lỗ vụ này. Không ít hộ trồng mít đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch mở rộng diện tích.

Anh Nguyễn Bá Tùng (ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), cho biết, do giá mít Thái giảm, việc thu mua mít ngày càng khó và theo hướng "ép" giá nên anh đã quyết định đốn bỏ 1.000 cây mít Thái đang trồng trên 6.000m2 đất.

"1.000 cây mít Thái đang chuẩn bị cho trái nhưng tôi quyết định đốn bỏ, chuyển sang trồng ổi Đài Loan. Ổi Đài Loan dễ trồng hơn mít Thái, thời gian cho trái cũng ngắn hơn" - anh Tùng chia sẻ.

Tương tự, anh Lê Vĩnh Thọ (ở ấp Tân Xuân, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đã quyết tâm chuyển vườn mít Thái sang trồng bưởi Tam Hồng. 

"Hiện tại giá mít Thái rất bấp bênh, thương lái và vựa lựa mua trái rất khắt khe, chỉ ưu tiên mua mít kem với giá từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, đồng thời phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc" - anh Thọ lý giải.

Theo anh Thọ, bưởi Tâm Hồng ở Vĩnh Long luôn dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Cây phát triển tốt, ít bệnh, người dân có thể yên tâm trồng. Còn cây mít Thái, tuy nói dễ trồng nhưng thực tế thường bị rất nhiều bệnh như xơ đen, nứt mầu, thối trái, vàng lá... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem