Nước thải qua bể biogas rồi mới thải ra sông?
Giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về trang trại tổng hợp Đông Hòa của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á, ở thôn Đông Hòa, xã Đông Á (Đông Hưng, Thái Bình). Đây là một trong rất nhiều trại lợn nuôi gia công cho C.P. Trại lợn này nằm sát chân đê, một mặt giáp bờ sông Đông Huy (cống 39). Mặc dù trại lợn này nằm cách xa khu dân cư, song nước thải được xả trực tiếp ra sông, nên ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân dọc hai bên bờ sông này.
Trại lợn của ông Duy, ở xã Vũ Lăng (Tiền Hải, Thái Bình) xả trực tiếp mước thải ra kênh mương. Ảnh: V.T
Bà Nguyễn Thị Hà (68 tuổi) nhà gần trại lợn Đông Hòa cho biết, từ nhiều năm nay, trại lợn này đặt cống ngầm dưới đáy sông, rồi xả trực tiếp nước thải ra sông này, gây ô nhiễm trầm trọng. “Hôm nay, cống được tháo nước vào, nên nước thải của trại lợn hòa lẫn chảy đi, chứ hôm qua các anh đến thì không tài nào chịu nổi. Nước sông từ trại lợn chạy dài hàng cây số lúc nào cũng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Không chỉ vậy, thi thoảng tôi lại thấy xe đến chở 2 – 3 con lợn chết đi. Có hôm họ còn mổ ngay giữa đường, máu me lênh láng. Họ chỉ lấy thịt, còn lòng phèo họ vứt luôn xuống sông, rất ô nhiễm” – bà Hà cho hay.
Theo sự chỉ dẫn của bà Hà, chúng tôi tìm đến vị trí cống nước thải của trại lợn được cho là thải ra sông, ngay ở góc trang trại, giáp với bờ sông ở thôn Đông Hòa. Thời điểm chúng tôi đến (ngày 20.5), mặc dù nước sông to, nhưng nước chảy ra từ cống thải của trại lợn vẫn đen ngòm. Liên hệ với ông Nhâm Xuân Tiến - chủ trại lợn Đông Hòa qua điện thoại để hẹn làm việc, ông Tiến phản ứng: “Trang trại của tôi làm gì mà ô nhiễm, tôi có bể biogas, nước thải qua bể biogas rồi mới thải ra ngoài. Nếu không thải ra sông, tôi biết thải đi đâu? Các anh chỉ cho tôi cái”.
Làm việc với phóng viên, ông Nhâm Công Thoại – Chủ tịch UBND xã Đông Á thừa nhận, trang trại của ông Tiến có xả thải, gây ô nhiễm trên sông. Sự việc này đã được cử tri phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã. Tuy nhiên, theo ông Thoại, do ông Tiến không hợp tác nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn.
Sống trong lo lắng
Trao đổi với phóng viên NTNN về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các trại lợn nuôi gia công cho C.P, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở TMMT Thái Bình cho biết, hiện Thái Bình có hơn chục trại lợn chăn nuôi gia công cho C.P, nhưng hầu như trại nào cũng gây ô nhiễm môi trường, với các mức độ khác nhau. “Năm 2014, chúng tôi đã kiểm tra và xử phạt Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á (trại lợn của ông Tiến- PV) vì gây ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu công ty lắp đặt bể biogas, hệ thống xử lý nước thải. Song chưa rõ công ty đã thực hiện hay chưa” - ông Tuấn cho hay.
Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Thuấn Hoa (trại lợn Thuấn Hoa) ở xã Đông Lâm (Tiền Hải), có trại lợn nằm ngay bên bờ sông Trà Lý. Theo phản ánh của người dân, trại lợn này nhiều năm nay đặt cống ngầm rồi xả thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước rất trầm trọng và họ cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây chết ngao hàng loạt hồi tháng 8.2014, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trang trại lợn Đông Hòa, ở xã Đông Á (Đông Hưng, Thái Bình) của ông Nhâm Xuân Tiến đang bị người dân tố xả thải theo cống ngầm ra sông Đông Huy (cống 39). Ảnh: V.T
Vị trí xả thải nằm trên sông lớn, nên rất khó tiếp cận, cách tiếp cận duy nhất là phải dùng thuyền. Được một người dân giúp đỡ, chúng tôi đã tìm đến được vị trí cống thải ngầm của trại lợn này. Tuy thời điểm chúng tôi tiếp cận, nước sông đang dâng cao, nước từ cống thải ra đã bị pha loãng, song vẫn hiện rõ màu nước thải đen từ trại lợn. Được biết, trại lợn này nuôi tới 4.000 lợn thịt, lợn nái, có lúc cao điểm nuôi đến 6.000 con/lứa (năm 2 – 3 lứa), tức vào khoảng 12.000-15.000 con/năm.
Để làm rõ thông tin, chúng tôi liên hệ với số điện thoại ghi trên cổng (số 0978.987.789), một người đàn ông tên Thái nghe máy và giới thiệu là chủ trang trại, song ông bảo ông không có nhà, rồi bảo chúng tôi liên hệ với bà Hoa là vợ ông. Chúng tôi gọi điện cho bà Hoa, bà bảo: “Trang trại của tôi là trang trại điểm, tôi có hầm biogas, sao tôi phải thải ra sông cơ chứ”. Khi phóng viên truy vấn: Vậy đường ống ngầm nối ra sông giáp trại lợn của bà mà chúng tôi chụp được ảnh là của ai? Bà Hoa im lặng, cúp máy.
Một người hưởng, vạn người khổ
Để tiếp tục tìm hiểu thực hư việc gây ô nhiễm môi trường của các trại lợn C.P, chiều 21.5, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Đặng Thế Huyễn ở xã Vũ Lăng (Tiền Hải). Cũng như các trang trại khác, trang trại của ông Huyễn nằm cạnh bờ sông Trà Lý, rộng hơn 5ha. Hiện ông Huyễn nuôi hơn 1.000 lợn thịt và khoảng 300 lợn nái. Sau khi quan sát xung quanh trại, vì mực nước sông cao, nên chúng tôi không phát hiện ra vị trí cống thải ra sông, song nước sông tại vị trí sát trại lợn này có màu rất lạ và bốc mùi khó chịu.
Nằm đối diện với trại lợn ông Huyễn là trại lợn của ông Duy, đang nuôi khoảng 2.000 lợn thịt và lợn nái. Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống cống rãnh quanh trại lợn nước đen sì, đặc quánh, bốc mùi rất hôi thối. Đi một vòng xung quanh trại, chúng tôi phát hiện ra một máy bơm đang bơm nước thải từ trong bể thải ra mương, rồi chảy trực tiếp ra sông. Nước được máy bơm ra đen sì, bốc mùi rất khó chịu. Và ao bên cạnh có 2 con lợn chết đang trong giai đoạn phân hủy.
“Không chỉ Thái Bình, mà các tỉnh cũng cần hạn chế việc mở rộng các trại lợn nuôi gia công cho C.P. Bởi trên thực tế, lợi ích mà người dân và Nhà nước thu lại từ việc chăn nuôi này rất nhỏ, trong khi đó phải gánh chịu hậu quả từ sự ô nhiễm môi trường rất nặng nề về lâu dài”.
Ông Trần Ngọc Tuấn –Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Bình
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Duy nói rằng trang trại ông thải vào bể biogas rồi mới thải ra ngoài và không có chuyện lợn chết vứt ra ngoài. Sau khi chúng tôi cho xem hình ảnh chụp được, ông Duy im lặng.
Ông Nguyễn Văn Toàn - một người dân ở gần đây cho biết, trước đây con sông này rất trong xanh, nhiều tôm cá, nhưng từ khi có các trại lợn này, nước đã chuyển sang màu đen và cá tôm cũng không còn nữa: “Thi thoảng, chúng tôi lại thấy có 3 – 4 con lợn chết trôi nổi lềnh bềnh trên sông, rất ô nhiễm” – ông Toàn nói.
Rời Thái Bình đã nhiều ngày, chúng tôi vẫn nhớ lời chia sẻ đầy bức xúc của bà Trần Thị Hồng (thôn Đông Hòa, xã Đông Á): “Ở xã mới có một trang trại C.P mà dân chúng tôi đã “ăn không ngon, ngủ không yên” rồi. Tôi nghe nói xã sắp mở thêm 2 trại nữa. Những trang trại chăn nuôi cho C.P chỉ “làm giàu” cho một số người, bởi họ làm tự động, nên mỗi trại chỉ tạo việc làm cho vài lao động, nhưng chất thải họ thải ra gây ô nhiễm, bắt hàng nghìn người gánh chịu. Nếu họ còn mở rộng nữa chúng tôi biết sống ở đâu?”.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.