Bà Thủy cho biết: "Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, các trang trại nuôi lợn về việc phải bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, phần do ý thức của họ chưa cao, phần do chạy theo lợi nhuận nên họ lờ đi việc bảo vệ môi trường, chỉ chú trọng sản xuất mà bỏ qua khâu xử lý chất thải".
Thời gian qua, rất nhiều trang trại chăn nuôi trên cả nước đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có các trang trại nuôi gia công cho Công ty C.P, nhưng công tác giám sát, kiểm tra có vẻ còn hạn chế. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Để kiểm tra, giám sát tốt vấn đề này theo tôi nhà nước phải có chế tài đủ nghiêm để răn đe. Với mức lợi nhuận thu về từ các trại lợn này, việc xử phạt như hiện nay chẳng thấm vào đâu, do đó họ sẵn sàng chịu phạt để chăn nuôi tiếp thay vì bỏ tiền ra xây dựng các công trình xử lý môi trường. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm, tôi cho rằng bên cạnh xử phạt nặng, yêu cầu xử lý môi trường bị ô nhiễm, bồi thường cho người dân, cần đình chỉ những đơn vị đó, không cho hoạt động nữa. Trong trường hợp trang trại đó muốn hoạt động trở lại, họ cần phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn mới cho hoạt động.
Bể nước thải ngập ngụa phân tại một trang trại gia công cho C.P tại xã An Ninh (huyện Bình Lục, Hà Nam). Ảnh: P.V
Đặc thù chính trong các trang trại chăn nuôi gia công cho C.P hiện nay là phía C.P cung cấp con giống, thức ăn gia súc, vaccine, còn người nuôi phải xây dựng chuồng trại, các thiết bị phục vụ chăn nuôi. Khi lợn được xuất chuồng, C.P sẽ đến nhận (chứ không phải thu mua) rồi trả công cho người chăn nuôi.
|
Bà có thể cho biết những hậu quả của việc vi phạm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi này gây ra đối với cuộc sống của người dân?
- Hiện nay chúng ta đang ngày càng khan hiếm nước ngọt, trong bối cảnh đó, người người, nhà nhà cần phải sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt, nước sản xuất. Chỉ cần 1 trang trại lợn như ở Hòa Bình gây ô nhiễm sông Bưởi (Thanh Hóa) đã khiến bao nhiêu hộ dân nuôi cá khốn đốn vì cá chết, đó là chưa kể việc họ không có nước sinh hoạt, nước sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Vậy tới đây, trong vai trò của mình, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những kiến nghị, đề xuất như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa bà?
- Liên quan đến các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các trang trại chăn nuôi, tới đây Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp các bộ ngành nhằm đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Một mặt tuyên truyền vận động để các cá nhân tổ chức tham gia sản xuất có nhận thức cao hơn để bảo vệ môi trường nông thôn, mặt khác phải giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh những đối tượng vi phạm.
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.