Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phạm Huy Thông sinh năm 1981, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhiều năm nay, các tác phẩm của anh đã được trưng bày tại triển lãm ở Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan... Năm 2008, anh được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore chọn là một trong hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu sau đổi mới.
Thực hành nghệ thuật nhiều năm ở Hà Nội, Phạm Huy Thông ngấm được lối suy nghĩ và cách biểu đạt ẩn dụ. Các tác phẩm của anh thoạt đầu chiếm lấy sự chú ý của người xem bằng những thông điệp tưởng như rất trực diện, tuy nhiên khi sự phấn khích thị giác tĩnh lại, người xem sẽ có những cơ hội bóc tách thêm nhiều lớp nghĩa phía sau.
Chia sẻ với PV Dân Việt, họa sĩ Phạm Huy Thông cho biết: "Trong nhiều năm, tôi tập trung sáng tác những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội Việt Nam với tương quan rằng đây là môi trường đang bao bọc lấy tôi, cung cấp cho tôi chất liệu sáng tạo, mặt khác Việt Nam cũng là phần không thể thiếu của một châu Á đang không ngừng phát triển và một thế giới rộng lớn tương tác đa chiều".
Xin lỗi vì đã làm phiền - nội dung trên biển báo hay thấy ở cổng các công trường, quang cảnh phổ biến ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, được Phạm Huy Thông chọn để đặt tên cho triển lãm lần này.
Trong triển lãm, họa sĩ sinh năm 1981 trưng bày nhóm tác phẩm giãi bày những suy nghĩ về sự chuyển dịch biên giới của đô thị dẫn đến sự chuyển dịch của quang cảnh và văn hóa. Các hệ giá trị mới của xã hội đương đại xuất hiện, những định giá trừu tượng chiếm phần lớn ý nghĩa tồn tại của một khái niệm, thay thế các giá trị vật lý, thực dụng. Chẳng hạn, những thứ tưởng chừng bất biến như bất động sản thì giá trị cũng thay đổi hàng ngày, trôi theo sự thay đổi của dòng đầu tư kinh tế, dòng cư dân… Con người có thể là nhân vật chính trong các bức tranh, nhưng cũng là đứng giữa tâm của cơn bão đổi thay.
"Triển lãm này là một triển lãm tôi muốn tổng kết quá trình hơn 3 năm làm việc với bộ tranh Ấp Ủ. Bộ tranh lấy hình tượng các công trình giấu mình trong lớp bạt thi công để nói về những câu chuyện đời sống, xã hội.
Thường tới cuối của mỗi chu kỳ 2-3 năm như đã nói ở trên, tôi mới bắt đầu nghĩ tới chuyện làm triển lãm cho loạt tranh đó như thế nào. Tôi chuẩn bị ý tưởng cho triển lãm từ giữa năm trước và dự định bày cuối năm cho đúng mùa (mùa họa sĩ triển lãm, mùa nhà sưu tập sắm tranh). Tuy nhiên vì nhiều lý do nên triển lãm thành ra bày vào tháng 7/2024, trở thành một món trái mùa lạ miệng.
Tôi chọn đặt tên triển lãm là Xin lỗi vì đã làm phiền bởi đó là dòng chữ chúng ta hay thấy ở phía cổng các công trường, nhưng dòng chữ đó cũng còn mang nhiều ý nghĩa khác tùy bối cảnh. Ở trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy cứ hiểu đó là lời xin lỗi của tôi vì đã bày ra một triển lãm trái mùa, khiến công chúng phải đội nắng nôi để tới xem. Bên cạnh đó, khi xem loạt tranh, khán giả có lẽ sẽ thấy rằng đây không phải những trải nghiệm thị giác ngọt ngào" - họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ.
Triển lãm Xin lỗi vì đã làm phiền nhận được phản hồi tích cực từ công chúng yêu hội họa. Trong đó, họa sĩ Phạm Huy Thông đặc biệt chú ý tới cách thưởng thức của một đôi bạn trẻ: "Trước khi rời đi, họ có chia sẻ rằng rất thích tranh của tôi, dù không hề nghĩ tới chuyện sưu tập hay trưng bày nó trong căn hộ nhỏ của họ. Theo họ, tranh của tôi xem thì thích nhưng bày ở nhà thì hơi quá sức. Tôi không hiểu quá sức ở đây là do tranh to quá, giá tranh cao hay nội dung "nặng đô" so với không gian sinh hoạt gia đình.
Tuy nhiên, bạn trai chia sẻ, bạn là một kiến trúc sư, những tác phẩm của tôi gợi cảm hứng để bạn thiết kế những công trình tiếp theo theo hướng tương hợp hơn với các tác phẩm hội họa và nghệ thuật thị giác. Có lẽ, đã tới lúc, những biệt thự của giới thượng lưu và kể cả những căn hộ của giới trung lưu cần chuyển sang giai đoạn mới, có ngôn ngữ kiến trúc tương tác sát sao với ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.