Trai phố khởi nghiệp với nghề dừa bonsai độc, lạ thu bộn tiền ngày Tết
Trai phố khởi nghiệp với nghề độc, lạ xưa nay Sài thành không có, cứ dịp Tết là thu bộn tiền
Trần Đáng
Thứ tư, ngày 29/01/2025 08:26 AM (GMT+7)
Bỏ làm công nhân, anh Đậu Thanh Tùng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) khởi nghiệp với nghề “biến” dừa khô thành dừa bonsai, đỉnh cao là chế tác thành linh vật 12 con giáp, cứ dịp Tết là thu bộn tiền. Một cái nghề ở TP.HCM xưa nay… không có.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, Thanh Tùng làm 800 sản phẩm dừa bonsai, trong đó có 200 sản phẩm "Rắn ngậm ngọc", linh vật của năm.
Anh Thanh Tùng trong xưởng làm dừa bonsai. Ảnh: T.Đ
Làm bonsai dừa - nghề xuất hiện đầu tiên ở Sài thành
Tôi biết Thanh Tùng từ khi anh mới chân ướt, chân ráo vào nghề làm bonsai dừa. Khi ấy anh còn làm công nhân cho một công ty. Hết đêm làm công nhân, sáng về Thanh Tùng lại lao vào cái xưởng là chái nhà rộng 40m2 miệt mài làm bonsai dừa. Cứ thế mà Thành Tùng "lên tay" với cái nghề tự mày mò, sáng tạo chứ không có sách vở hướng dẫn.
Đùng một cái, Thanh Tùng thông báo bỏ nghề công nhân về làm bonsai dừa, đây là "cần câu cơm" cho gia đình nhỏ của anh, tôi nghe mà chưng hửng. Thực tế, cái nghề làm bonsai dừa xưa nay ở TP.HCM chưa ai làm. Thậm chí, giới làm bonsai dừa ở miền Tây Nam bộ chỉ làm để giải trí, chưa nói thị trường của sản phẩm này cũng bất định…
Khi trái dừa lên mầm sẽ bắt đầu công đoạn làm dừa bonsai. Ảnh: T.Đ
"Thực tế, lúc đầu làm dừa bonsai tôi cũng chủ đích để chơi. Nhưng càng làm tôi càng nhận thấy cái nghề này có tiềm năng kinh tế khá hấp dẫn. Một trái dừa mua có chục ngàn nhưng khi thành phẩm bán tiền triệu. Quan trọng là sản phẩm dừa bonsai ngày càng được thị trường quan tâm, chấp nhận. Đơn cử là Tết năm nay tôi đã có 50% đơn đặt hàng sản phẩm dừa bonsai linh vật trước khi hàng ra chợ Tết", Thanh Tùng thổ lộ.
Theo Thành Tùng, nếu là sản phẩm dừa bonsai thường, người chơi sẽ tập trung chơi theo bộ rễ hoặc bộ tán lá. còn nếu chơi theo linh vật, người chơi sẽ chú trọng đến cái "hồn", "thần thái" của linh vật ấy. Người làm dừa bonsai linh vật phải thổi được "hồn" vào linh vật thì mới thành công.
"Để thổi "hồn" vào linh vật người làm phải có sự sáng tạo, cảm xúc với nghệ thuật chế tác. Phải lựa chọn từng gáo dừa nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để làm con linh vật của năm. Cái độc đáo là do làm thủ công cho nên không một sản phẩm dừa bonsai linh vật nào giống nhau", Thanh Tùng chia sẻ.
Anh Thanh Tùng đang trong công đoạn rọc yếm làm dừa bonsai. Ảnh: T.Đ
Theo Thanh Tùng, trái dừa được chọn làm dừa bonsai phải có gáo tròn đều. Sau đó, dừa sẽ được lột vỏ và cạo mụn trước khi đem ươm. Khi trái dừa đâm chồi 2 - 3cm sẽ tiến hành quá trình làm dừa bonsai.
Thanh Tùng nhận định, công đoạn rọc yếm và sơn bóng là khó nhất trong quy trình làm dừa bonsai. Tỉa yếm đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ và kiên nhẫn. Việc này phải liên tục trong quá trình chế tác và ngay cả sau khi cây đã thành phẩm.
"Nếu ngưng tỉa yếm, kết cấu lá của cây dừa bonsai sẽ bị phá vỡ", Thanh Tùng bộc bạch.
Theo Thanh Tùng,phải mất 8 – 12 tháng kỳ công chế tác một sản phẩm dừa bonsai mới thành hình. Một sản phẩm dừa bonsai đẹp ngoài việc phải "có hồn" còn đáp ứng các tiêu chí như lá đẹp, rễ cái chuẩn, thân (lóng) đẹp...
Theo đó, lá dừa bonsai được đánh giá đẹp phải nhỏ, cân đối với cây. Tàu lá phải chẻ ra các lá nhỏ như dừa trưởng thành… Hiện, các kiểu dáng thông dụng của dừa bonsai là dáng huyền, dáng trực, dáng bay và dáng thác đổ.
Những sản phẩm dừa bonsai linh vật của anh Thanh Tùng. Ảnh: T.Đ
Riêng với sản phẩm dừa bonsai linh vật, người làm phải tư duy sáng tạo và tốn nhiều công sức hơn. Đây là công đoạn chế tác thật sự cần đến cái "hồn" của sản phẩm. Các linh vật sau khi hình thành ngoài sự duyên dáng, dí dỏm, sinh động… phải có "hồn" để thu hút người chơi.
Tác phẩm dừa bonsai linh vật đầu tiên của Thanh Tùng được người chơi bỏ tiền mua là linh vật con gà (Tết Quý Dậu 2020). Tết Nguyên đán 2020, anh đem sản phẩm linh vật năm Quý Dậu ra bán tại chợ tết. Sản phẩm này đã thu hút nhiều người tìm mua chơi tết.
"Tết năm đó, tôi bán hết gần 100 chậu dừa bonsai mang hình tượng con gà, vui quá trời", Thanh Tùng khoe.
Dừa bonsai thành sản phẩm OCOP
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, sản phẩm dừa bonsai của Thanh Tùng được trưng bày chiếm cả văn phòng CLB bonsai huyện Bình Chánh. Các sản phẩm dừa bonsai này đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện và là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM.
Dừa bonsai linh vật "Rắn Ngậm ngọc" - linh vật năm Tỵ. Ảnh: T.Đ
Nâng niu sản phẩm "Rắn ngậm ngọc" – linh vật của năm Tỵ trên tay, Thanh Tùng bộc bạch: "Tôi hy vọng sản phẩm "Rắn ngậm ngọc" này sẽ mang lại may mắn, sung túc cho người chơi năm nay".
Theo đó, sản phẩm dừa bonsai cao linh vật này cao khoảng 40cm. Phần ráo dừa nằm nổi bật trên chiếc chậu dưới tàu dừa tỏa xanh um. Điểm độc đáo của sản phẩm dừa bonsai này là linh vật "Rắn ngậm ngọc" của năm Tỵ với toàn thân rắn uốn cong, mềm mại ôm lấy phần ráo bonsai. Đầu rắn phùng má, ngóc lên cao, miệng ngậm viên ngọc trắng. Lớp vảy sừng của rắn sắc nét nhờ độ bóng của nước sơn…
Với bàn tay khéo léo, bộ óc sáng tạo và sự đam mê, Thanh Tùng đã nâng tầm trái dừa khô thành một sản phẩm nghệ thuật đáng "đồng tiền, bát gạo". Mỗi sản phẩm dừa bonsai với nhãn hiệu "Dừa bonsai Thanh Tùng" có giá 250.000 – 2,5 triệu đồng. Thời gian qua, các sản phẩm "Dừa bonsai Thanh Tùng" đã được bán rộng rãi trong nước thông qua các chợ thương mại điện tử.
Gian trưng bày sản phẩm dừa bonsai của anh Thanh Tùng tại CLB OCOP huyện Bình Chánh. Ảnh: T.Đ
"Gia đình tôi bao đời là nông dân rặc, không ai theo nghệ thuật, giờ tôi đang đi theo con đường này, cũng vui", Thanh Tùng chia sẻ.
Thấy được tiềm năng từ nghề làm dừa bonsai nên Hội Nông dân và chính quyền địa phương đang hỗ trợ Thanh Tùng xây dựng nhãn hiệu, tham gia OCOP, làm website… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ý thức được sản phẩm dừa bonsai còn khá mới lạ với người chơi nên Thanh Tùng rất hăng hái tham gia các hội chợ nông nghiệp trong, ngoài TP.HCM để đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường.
"Tôi nghĩ, thị trường là yếu tố quyết định thành bại khi tôi theo nghề này. Tôi tự tin có thể làm được những sản phẩm dừa bonsai mang tính nghệ thuật cao", Thanh Tùng tâm sự.
Hiện, Thanh Tùng là người đầu tiên làm nghề và kinh doanh dừa bonsai ở TP.HCM. Anh cũng đang "một mình, một chợ" với sản phẩm dừa bonsai ở TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.