Hai trạm BOT nằm cách nhau 53km
Khoảng 15h ngày 3.1, tại trạm thu phí Tam Kỳ (thuộc địa phận xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam), ông Huỳnh Bửu Long (SN 1978, trú tỉnh Vĩnh Long) đi ôtô BKS 62C-06849 dừng tại làn thu phí và thắc mắc về việc trạm BOT Tam Kỳ đặt sai vị trí và thu phí quá cao.
Theo ông Long, ông không đồng tình với việc mình không hề sử dụng đường tránh Tam Kỳ (tức là đường tránh Nguyễn Hoàng - PV) nhưng vẫn phải trả phí sử dụng cho tuyến tránh này. Cũng theo ông Long, việc thu giá vé 35.000 đồng/ôtô là quá cao, trong khi đó, phí bảo trì đường bộ hàng năm mỗi xe đã đóng.
“Tôi đang nghĩ, QL 1A đang chặt từng khúc từ Bắc vào Nam để thu phí. Trong khi đó, tất cả mọi người dân đều có quyền sử dụng QL 1A mà không phải đóng bất kỳ đồng phí nào”, ông Long nói.
Trạm thu phí Tam Kỳ bị tố đặt nhầm vị trí.
Theo ghi nhận của Dân Việt, ngày 27.12.2012, Bộ GTVT có quyết định số 3406/2012/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình mở rộng QL1A đoạn Km987+Km1027 theo hình thức BOT. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 40km, có tổng mức đầu tư khoảng 1.620 tỷ đồng, do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 làm chủ đầu tư.
Tại quyết định phê duyệt này, Bộ GTVT ghi rõ: “Trạm thu phí Tam Kỳ sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh TP Tam Kỳ (đường tránh Nguyễn Hoàng - PV)".
Tuy nhiên, khi dự án thành phần 2 này vừa xong thì trạm thu phí Tam Kỳ mới được đặt “chồng” ngay vị trí trạm thu phí Tam Kỳ cũ thuộc địa phận xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), dẫn đến khoảng cách giữa 2 trạm thu phí theo hình thức BOT trên tuyến QL1A đi qua địa phận Quảng Nam chỉ cách nhau 53km (trạm thu phí Tam Kỳ và trạm thu phí Điện Bàn tại phường Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn - PV). Khoảng cách này hoàn toàn sai so với quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ GTVT là 70km.
Trạm thu phí Tam Kỳ mới có thời gian thu phí kéo dài trong 24 năm 7 tháng, bắt đầu thu từ tháng 2.2016. Bên cạnh đó, mức thu phí mới tăng gấp 3,5 lần so với mức thu phí trước đây, 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng 15%. Nếu như mức thu cũ là 10.000 đồng/lượt xe thì mức thu mới là 35.000 đồng/lượt xe.
Dân "gồng mình chịu trận"
Trước bất cập này, ngày 14.5.2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - PV) có công văn số 1748/UBND-KTN gửi Bộ GTVT nêu rõ: Dự án thành phần 2 mở rộng QL 1A đoạn Km987-Km1027 được giao cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm nhà đầu tư.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 1748 nêu rõ việc hai trạm thu phí ở Quảng Nam chỉ cách nhau 53km.
Theo dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt (QĐ số 3406/QĐ-BGTVT ngày 27.12.2012 của Bộ GTVT), việc thu phí hoàn vốn của dự án, sử dụng trạm thu phí Tam Kỳ (cũ) sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh TP.Tam Kỳ. Trạm thu phí Tam Kỳ hiện có vị trí Km997+100 thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, sau khi hoàn thành các dự án mở rộng QL 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam, nếu không di dời trạm thu phí Tam Kỳ thì trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 2 trạm thu phí cách nhau 53km.
Để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí trên tuyến QL 1A theo quy định (70km), UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT có phương án di dời trạm thu phí Tam Kỳ (sau khi hoàn thành thu phí hoàn vốn dự án tuyến tránh TP.Tam Kỳ) từ vị trí hiện tại ở Km997+100 đến vị trí mới ở Km1027, cuối tuyến của dự án thành phần 2 mở rộng QL 1A đoạn Km987-Km1027 đang thực hiện, cũng là địa bàn ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, trả lời văn bản của tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT cho rằng, nếu đặt đúng vị trí trên cho đúng khoảng cách 70Km, thì khoảng cách giữa trạm thu phí này với trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi quá ngắn, chỉ có 38km, cho nên tỉnh Quảng Ngãi không đồng ý.
Việc đặt “chồng” trạm thu phí BOT Tam Kỳ đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm ăn kinh doanh của những hộ dân sinh sống gần trạm thu phí. Người dân không chỉ bức xúc vì hàng ngày phải chịu đựng bụi, khói, tiếng ồn, mùi hôi thối do phương tiện vận tải đi qua lại, dừng chân mà việc làm ăn kinh doanh của họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Ngô C. (nhà ở sát trạm thu phí Tam Kỳ) bức xúc: “Việc đặt trạm thu phí Tam Kỳ cũ đã làm cho dân bức xúc gần 15 năm nay bởi không chịu nổi khói, bụi, tiếng ồn của xe cộ qua lại, nhất là mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Nay phải chịu đựng thêm trạm thu phí Tam Kỳ mới trong 24 năm 7 tháng nữa. Như vậy, gia đình tôi phải chịu đựng những vấn đề phức tạp trên của trạm thu phí Tam Kỳ cũ và mới này đến 4 thế hệ, gồm cha mẹ, vợ chồng, con và đến cháu”.
Ngày 8.6.2017, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ những tồn tại, bất cập của 2 trạm thu phí Tam Kỳ mới và trạm thu phí Hòa Phước và đề xuất hướng khắc phục như: Miễn giảm giá cho phương tiện của người dân địa phương, đảm bảo công bằng, phù hợp, thuận tiện trong thu phí...
Trước việc này, Bộ GTVT có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 thống nhất việc miễn 100% các hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các xã, phường: Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành), Tam Ngọc, Hòa Hương, An Sơn (TP.Tam Kỳ); xe của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện Núi Thành, TP.Tam Kỳ; các loại xe buýt vận tải khách công cộng; giảm 50% giá vé là phương tiện không hoạt động kinh doanh của các cá nhân, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ; giảm giá chung cho tất cả các phương tiện từ 5.000 - 10.000 đồng tương ứng với từng nhóm phương tiện khác nhau so với mức giá hiện hành (35.000 đồng/lượt) khi qua trạm BOT Tam Kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.