Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Điều này đặt ra thách thức mới cho những người làm bóng đá. Ở mùa giải trước, khi bóng đá đối mặt với đại dịch toàn cầu đã có những tranh cãi, thậm chí sợ hãi trước khó khăn. Tuy nhiên cuối cùng bằng sự đồng lòng, trách nhiệm với cộng đồng, bóng đá Việt Nam cuối cùng cũng về đích an toàn theo đúng phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển.
Đó chỉ là giai đoạn mở đầu cho những thách thức với bóng đá Việt Nam. Trong thời gian tới, những khó khăn được dự đoán sẽ lớn hơn gấp bội.
Từ nay đến năm 2022, các giải đấu liên tục được diễn ra trong khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Chúng ta không thể biết trước rằng khi nào dịch bệnh mới được qua đi. Sự bị động trong kế hoạch là bài toán khó cho các nhà làm bóng đá, không thể xác định được đâu là nhiệm vụ hàng đầu.
Trong trường hợp xấu nhất, có lẽ chúng ta phải tính đến phương án hy sinh một giải đấu nào đó để hoàn thành mục tiêu lớn hơn. Có thể hủy bỏ hoặc dời lịch V.League sang năm 2022, hoặc “buông” AFF Cup để tập trung cho những đấu trường lớn hơn. Một phương án khác là có thể tính đến việc thay đổi thể thức thi đấu, quy mô tổ chức để các hoạt động bóng đá có thể về đích an toàn.
Bóng đá Việt Nam nhất định phải thắng trong trận đánh này, phải quyết tâm đưa mọi thứ về đích một cách an toàn nhất. Đó là điều không mong muốn nhưng đã đến lúc, những nhà quản lý, điều hành và đặc biệt là các đội bóng phải tính đến phương án ít tổn hại nhất. Nếu không thể chiến thắng được dịch bệnh, ôm quá nhiều giải đấu mà không tính đến các biện pháp an toàn có thể chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ, thậm chí là trắng tay.
Có một niềm tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch, điều mà chúng ta đã làm rất tốt khi dịch Covid-19 mới bùng phát. Thậm chí mô hình xây dựng bóng đá trong thời kỳ đại dịch của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới tìm hiểu và học hỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.