|
Bánh trung thu sản xuất tại các cơ sở ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) được vận chuyển đi tiêu thụ |
Làm bánh cạnh… chuồng gà
Sáng 9–9, đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội - nơi làm bánh Trung thu thời vụ lớn nhất miền Bắc, đã tiến hành kiểm tra bất ngờ 2 cơ sở chuyên sản xuất bánh Trung thu là cơ sở Bảo Châu và cơ sở Bảo Hiệp.
Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Hiệp, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở này tạm dừng sản xuất để khắc phục những tồn tại như; trần nhà nhiều bụi, xưởng sản xuất nằm gần chuồng gà, nhà xưởng hẹp, ẩm thấp, thiết bị sản xuất không được lau chùi thường xuyên, công nhân sản xuất không đeo găng tay theo đúng quy định.
Trong khi đó, tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Châu, cán bộ trong đoàn kiểm tra không khỏi rùng mình khi thấy những nguyên liệu để làm nhân bánh và chất phế thải vẫn chưa được phân định rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Tân - Trạm trưởng Y tế xã La Phù cho biết: “Hiện nay toàn xã chỉ còn 5 hộ chuyên sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên, do là sản xuất thủ công nên các yêu cầu về thực hiện ATVSTP cũng bị hạn chế rất nhiều. “Không có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn ATVSTP 100%, được khoảng 60% đã là may mắn lắm rồi”- bà Tân nói.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV Dân Việt, đoàn kiểm tra chỉ tập trung vào các vấn đề như: Vệ sinh cơ sở, vệ sinh cá nhân và kiến thức ATVSTP của công nhân, vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất... chứ không kiểm tra được vấn đề quan trọng nhất là nguyên liệu dùng để làm bánh.
Tới các cơ sở này, chúng tôi thấy phần lớn nhân bánh đã được trộn nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một công nhân tên Hùng nói: “Bánh bán về nông thôn, miền núi, mấy ai kiểm tra chất lượng. Còn kiểm tra vệ sinh thì kiểm lấy lệ, chứ sau đó đâu lại vào đó mà thôi”.
Tiền nào của nấy
Lần theo đường đi của bánh Trung thu các làng nghề La Phù, Dương Liễu, Xuân Đỉnh (Hà Nội), chúng tôi thấy có nhiều bánh được chuyên chở vào miền Trung. Tại các chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) huyện Hòa Vang - vùng nông thôn của thành phố Đà Nẵng đang tràn ngập bánh Trung thu “3 không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không địa chỉ sản xuất). Giá bán các loại bánh này chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng /chiếc loại 100g, 10.000 - 15.000 đồng /chiếc loại 200g.
Đội Quản lý thị trường 3A - TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa tạm giữ gần 2.000 bánh Trung thu tại cơ sở Sơn Long Đồng Khánh (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) do cơ sở này không công bố chất lượng theo quy định. Trước đó, ngành Y tế TP. HCM cũng đã tổ chức kiểm tra hàng chục cơ sở sản xuất trong số 250 cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn.
Bình Minh
Mặc dù chất lượng không đảm bảo, nhưng những loại bánh này vẫn có nhiều người mua ngay từ khi bày bán, vì hợp túi tiền người nghèo. Chị Lê Mai, chủ quầy bánh kẹo tại xã Hòa Phong, cho biết: “Bánh bình dân chủ yếu được lấy từ Bắc vào. Họ chuyển từng lô, bịch, rồi phân ra cho các đầu mối bán lẻ. Tiền nào của ấy, 4.000-6.000 đồng/cái thì lấy đâu của ngon”.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại Thừa Thiên - Huế. Tại chợ An Cựu, Đông Ba, Tây Lộc và một số tuyến đường ở TP. Huế, loại bánh nướng 120g chỉ có giá 5.000- 7.000 đồng/cái, loại sang hơn có giá từ 12.000- 25.000 đồng/ cái. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy nhiều loại bánh không có nhãn mác, không có địa chỉ sản xuất, không có thời hạn sử dụng.
Trong khi đó, tại các chợ vùng ven lại xuất hiện nhiều loại bánh Trung thu bao bì được viết bằng chữ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thời hạn sử dụng. Do mẫu mã bắt mắt, nên loại bánh này được tiêu thụ khá mạnh.
Mặc dù vậy nhưng theo Chi cục QLTT tỉnh Thừa Thiên- Huế, qua kiểm tra đơn vị vẫn chưa phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu nào vi phạm. 2 ngày qua, tại Đà Nẵng, Chi cục QLTT thành phố phối hợp với Chi cục ATVSTP tổ chức đi kiểm tra chất lượng bánh Trung thu trên thị trường cũng như tại các cơ sở sản xuất, tuy nhiên chưa phát hiện sai phạm gì (?) Không hiểu những loại bánh “3 không” ai cũng thấy kia làm sao lại biến mất nhanh thế trước mắt những người kiểm tra!
Công Trình- Vân Anh- An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.