Trăn trở với chiếc lưỡi cày

Thứ bảy, ngày 06/08/2011 03:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân quê tôi tồn tại nhờ vào những nương ngô cheo leo vách núi. Vậy nên cày trên đá là nỗi khổ oằn nặng đôi vai người Mông, người Dao, người Pu-Péo từ biết bao đời.
Bình luận 0

Tôi sinh ra giữa lòng cao nguyên đá, lớn lên thấy đá bọc kín xung quanh nhà, ngước mắt gặp đá nằm, ngồi lổm nhổm trên nương, dưới ruộng.

Cái ngày nghe tin mũi cày vùng xuôi được ưu tiên chuyển lên bán trợ giá tại địa phương, ai cũng háo hức đến mua. Vậy mà chưa qua mùa tra hạt, mọi người đã quầy quậy lắc đầu: "Lưỡi cày miền xuôi không ưng cái bụng của bà con rồi".

Thì ra cái dáng thanh mảnh, độ cong vòm mũi của các loại mũi cày hiệu 51, 58 rất hợp với đất thịt vùng đồng bằng nhưng lại không thể sử dụng ở vùng đất cằn, đá ngầm khắp chốn cao nguyên đá này. Mũi cày hễ chạm đá là gãy đôi. Thế là bà con lại phải vác cuốc lên nương.

img
Ông Chứ Chúng Lầu (bên phải) đang bán lưỡi cày ở chợ .

Thương vợ con, thương đồng bào, sau mỗi buổi cuốc đất, tôi ngồi rất lâu trên nương đá, nhìn những thớt ruộng gập ghềnh, trên đó rải rác lưỡi cày gãy nằm lăn lóc, lòng như muối xát. "Phải làm gì để cải tiến mũi cày cho hợp với vùng đá quê mình" - nhiều đêm tôi thức trắng suy nghĩ.

Khi những nét than vạch ngang, dọc đã kín nền bếp cũng là lúc hình dạng chiếc mũi cày phác thảo hoàn thành. Tôi vào khe tìm đất sét, lên rừng chặt gỗ làm khuôn, nhào đất đắp lò nấu gang. Ngày chiếc mũi cày đầu tiên ra đời, tự tay tôi dắt bò, cày phăm phăm trên nương đá. Bà con khắp bản, khắp xã đổ xô đến xem, hò reo cổ vũ.

Vui nhất là mũi cày tôi làm càng cày càng sáng loáng, gặp đá không khựng lại và gãy khục, mà nó trườn đi như con trăn rừng. Đêm hôm đó và liền mấy hôm sau, rượu ngô trên bản chảy tràn, cả gia đình tôi và bà con đều vui như có hội vì từ nay không còn phải cuốc nương nữa. Tôi được phong là "vua lưỡi cày". Lửa lò đúc gang rừng rực liên tục từ mờ sáng đến nửa đêm, người xếp hàng đăng ký mua mũi cày của tôi lúc nào cũng chật nhà...

Từ ngày có nghề đúc gang, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá với thu từ bán mũi cày không dưới 30 triệu đồng mỗi năm. Tôi đúc lưỡi cày, bán tại nhà và chợ phiên. Tiền bán lưỡi cày tôi đưa vợ nuôi con ăn học, còn dư thì giúp bà con khó khăn. Nhìn những nương lúa, nương ngô trên cao nguyên đá mùa nào cũng xanh tốt và bội thu tôi tự hào như mình đã góp một phần công sức...

Năm nay đã bước sang tuổi ngoại lục tuần, điều tôi trăn trở nhất là làm sao để truyền lại nghề tâm huyết của cả cuộc đời mình với thế hệ tương lai. Thanh niên xứ đá bây giờ chẳng mấy người mặn mà với nghề đúc gang nữa, họ đổ xô đi làm thuê cho các mỏ khai thác quặng chui trong núi. "Chẳng biết chục năm nữa còn thanh niên nào biết nghề đúc gang của tu chia, tu nỉa (bố, mẹ) để lại nữa không..." - những người già chúng tôi bảo nhau như vậy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem