Trận World Cup kỳ lạ nhất lịch sử giữa hai nước “không đội trời chung”

Đăng Nguyễn - Daily Star Thứ năm, ngày 21/06/2018 00:25 AM (GMT+7)
Trận đấu trong khuôn khổ World Cup 1998 chỉ kéo dài trong 90 phút nhưng đã khiến ban tổ chức và lãnh đạo hai nước thót tim vì quá khứ đối đầu đầy hiềm khích.
Bình luận 0

img

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, khôi phục lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào nước này. Điều này đẩy quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng.

Nhưng trên thực tế, Mỹ và Iran đã trở thành kẻ thù của nhau từ hàng thập kỷ trở về trước, khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 thành công.

Cách mạng Hồi giáo Iran

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1941 khi phương Tây chiếm đóng Iran, đưa Mohammad Reza Pahlavi lên làm vua, tiếp nối triều đại quân chủ chuyên chế Ba Tư từ cách đây 2.500 năm. Chính Anh và Mỹ đã giúp Mohammad Reza lật đổ một đối thủ chính trị vốn được lòng dân hơn vào năm 1953.

Năm 1963, Mohammad Reza phát động cuộc “Cách mạng Trắng”, chống lại các tôn giáo khác, bao gồm cả Hồi giáo.

Giáo chủ Khomeini, là nhà lãnh đạo tôn giáo đầu tiên công khai lên án chương trình cải cách của vua Ba Tư. Trong các bài phát biểu mạnh mẽ từ Tu viện Faziye ở Qom, Khomeini kêu gọi lật đổ chế độ quân chủ và thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Năm 1963, Mohammad Reza bắt giam ông và dẫn đến cuộc bạo loạn quy mô lớn. Một năm sau, Khomeini bị trục xuất khỏi Iran.

Cuộc cách mạng Hồi giáo bắt đầu từ tháng 1.1978 với cuộc tuần hành lớn nhằm lật đổ quốc vương Mohammad Reza. Bất lực trong việc ổn định tình hình, Mohammad Reza trốn khỏi đất nước và sống lưu vong từ tháng 1.1979.

img

Người Iran biểu tình ủng hộ lãnh tụ Hồi giáo Ruhollah Khomeini.

Ngày 1.2.1979, lãnh tụ Hồi giáo Ruhollah Khomeini quay trở lại Tehran trước sự chào đón của hàng triệu người Iran. Sự sụp đổ cuối cùng của triều đại Pahlavi diễn ra trong thời gian ngắn sau đó. Giới quân sự Iran tuyên bố trung lập sau khi lực lượng du kích áp đảo lực lượng trung thành với quốc vương trong trận đánh có vũ trang ngay trên đường phố Tehran.

Iran chính thức trở thành một nước Cộng hòa Hồi giáo vào ngày 1.4.1979, sau cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo.

Kể từ đó, Iran trở thành một trong những kẻ thù không đội trời chung của Mỹ và phương Tây.

Trận World Cup kỳ lạ

Lễ bốc thăm chia bảng World Cup 1998 khiến cả thế giới rúng động. Đó là bởi Iran nằm chung bảng F với Mỹ. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran trên sân Stade de Gerland ở Lyon, Pháp, trở thành điểm nóng nhất về an ninh và khiến ban tổ chức phải đau đầu.

Một trong những vấn đề đầu tiên là Iran được gọi là đội B, còn Mỹ là đội A. Theo quy định của FIFA, đội B sẽ đi về phía đội A để bắt tay nhưng lãnh tụ Hồi giáo Khamenei ra lệnh không cho các cầu thủ sang bắt tay đội Mỹ.

img

Các cầu thủ Mỹ và Iran chụp ảnh chung tại World Cup 1998.

Sau một cuộc đàm phán nhanh, trên tinh thần thể thao, người Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ để sang bắt tay Iran. Một điều khác khiến FIFA lo ngại là khả năng một nhóm khủng bố khoảng 7.000 người được tài trợ bởi Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein đã mua vé vào sân với mục đích quấy rối.

Có nhiều phương án đảm bảo an ninh được đưa ra. Mọi biểu ngữ mang tính chất kích động, nhuốm màu sắc chính trị đều không xuất hiện trước ống kính máy quay. Bởi đây là trận đấu World Cup được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người trên thế giới.

Đề phòng trường hợp bạo loạn, cảnh sát chống bạo động của Pháp được đặt trong tình huống sẵn sàng, nhưng họ sẽ không vào sân nếu vấn đề chưa thực sự trở nên nghiêm trọng.

Đây là lý do khán giả xem vòng chung kết World Cup 1998 ở Pháp sẽ không nhận thấy điều gì bất thường trên TV.

Khi hai đội chuẩn bị bước vào trận đấu, mọi thứ diễn ra đúng như mong muốn của FIFA và Liên đoàn Bóng đá Iran. Đó là việc các cầu thủ Iran tặng hoa cho cầu thủ đội Mỹ và cả hai đội cùng chụp ảnh chung. Đó là khoảnh khắc đã thay đổi hoàn toàn lịch sử giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh.

img

Những gì các cầu thủ Mỹ và Iran làm trên sân đã vượt xa các chính trị gia hai nước trong suốt nhiều thập kỷ.

Trận đấu diễn ra cũng theo chiều hướng có lợi cho Iran. Các cầu thủ đội tuyển Iran chỉ cần 5 phút trước giờ nghỉ giữa hiệp để ghi bàn mở tỉ số. Mehdi Mahdavikia bên phía Iran nhân đôi cách biệt ở phút 84, trong khi phía Mỹ chỉ gỡ lại được một bàn thắng danh dự, ấn định tỉ số 2-1 nghiêng về Iran.

Đây là trận thắng đầu tiên của Iran trong khuôn khổ vòng chung kết World Cup và người dân Iran ăn mừng như thể họ vừa vô địch. Ở Iran, người hâm mộ một lần nữa được sống trong không khí lễ hội tràn ngập suốt nhiều ngày và tuyệt nhiên không có tư tưởng chống Mỹ.

Trận thua trước Iran khiến đội Mỹ bị loại khỏi vòng bảng World Cup. Mặc dù vậy, các cầu thủ Mỹ cảm thấy hãnh diện vì họ đã tham gia vào một trận đấu lịch sử.

“Những gì chúng tôi làm trong 90 phút còn hơn nỗ lực của các chính trị gia trong suốt 20 năm qua”, hậu vệ đội tuyển Mỹ Jeff Agoos nói ở thời điểm đó.

Chính tinh thần bóng đá ít nhiều xoa dịu sự đối đầu giữa hai quốc gia như lời phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton: “Sự kiện này sẽ là một bước tiến tới chấm dứt sự ghẻ lạnh giữa 2 quốc gia và khuyến khích mối quan hệ tốt hơn”.

__________________

Bài kỳ tới sẽ kể lại câu chuyện về một cầu thủ từng đá phản lưới nhà tại World Cup, dẫn đến số phận bi thảm ngoài sân bóng.

Trận bóng World Cup tàn bạo, đáng quên nhất lịch sử thế giới

Trận đấu trong khuôn khổ World Cup 1962 giữa Chile và Italia được coi là xấu xí, tàn bạo nhất và đáng quên nhất trong lịch...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem