Tráng A Chu “vác đá ngược núi”

Xuân Tuấn Thứ bảy, ngày 09/06/2018 06:00 AM (GMT+7)
Bản Hua Tạt – cái tên mới nghe đã thấy sự xa ngái, cách trở và nghèo khó. Nhưng ở chính cái nơi mà bao người đã tan cửa nát nhà vì ma túy đó lại có một chàng trai người Mông đã dám nghĩ khác và làm khác. Anh là Tráng A Chu – người đã đem mô hình homestay độc đáo làm bản Hua Tạt “thay da đổi thịt”.
Bình luận 0

Giữ chân khách bằng… “cái hồn người Mông”

Giữa mùa hè nóng cháy, homestay của A Chu (sinh năm 1982) ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) vẫn đông nghịt khách. Vợ chồng Chu cùng mấy người làm bận túi bụi cả ngày không ngưng nghỉ mà vẫn chưa hết việc. Khách đến nhà, vợ chồng Chu không chỉ lo ăn lo ở mà còn trực tiếp dẫn khách đi thưởng lãm cảnh đẹp của cao nguyên Mộc Châu.

img

Chân dung chàng trai Tráng A Chu

Ngôi nhà sàn lợp lá cọ của A Chu nằm ngay đầu bản Hua Tạt. Xung quanh nhà là vườn mận, vườn đào xanh mướt. Lối mòn đi vào rợp bóng cây, mùi hoa dại thơm thoang thoảng khiến bao mệt mỏi của người lữ khách sau chặng đường dài như tan biến. Từ chiếc ghế gỗ, quầy lễ tân đến nơi ăn chốn ngủ của khách đều gần gũi với thiên nhiên. Chăn ấm, đệm êm trắng muốt. Hàng bóng điện treo bên cột nhà sàn được bao bọc bởi ống tre. Mỗi đồ vật, mỗi góc nhà nơi đây đều được thiết kế tỉ mỉ cho gần với thiên nhiên. Điều đó chứng tỏ, ông chủ của khu nghỉ dưỡng này rất có con mắt nghệ thuật.

Tráng A Chu mặc áo lanh, quần ống rộng, đầu đội mũ tựa như một chàng trai Mông chuẩn bị đi hội. Nước da rám nắng, nụ cười luôn nở trên môi khiến ai đến chơi cũng có cảm tình. A Chu kiêm nhiều vai: Lễ tân, nghệ sĩ biểu diễn, điều hành công việc, 2 chiếc điện thoại liên tục réo vì khách đặt hàng. A Chu nhanh như con sóc trên rừng, mọi việc cắt cử trong khu nghỉ dưỡng, anh làm đâu ra đấy. Khách Tây khách ta đều hài lòng và “ưng cái bụng” khi đến với đồng bào Mông.

Khách đến chỗ A Chu ở khắp mọi miền đất nước. Vui hơn cả là sau mỗi năm có hàng nghìn khách Tây đến với homestay A Chu. Họ rất hài lòng khi gặp ông chủ vui vẻ và rất có con mắt nghệ thuật này. Chu khèn hay, sáo giỏi, múa cũng đẹp. Giờ vợ chồng Chu còn đang miệt mài học tiếng Anh để giao tiếp với khách cho tiện. Chị Hàng Thị Sua - vợ của Chu vốn là cô gái Mông giỏi thêu thùa và đi nương, đi rẫy, nay nhờ sự học hỏi đã trở thành một phụ bếp giỏi của chồng. Ngoài việc nấu những món ăn truyền thống của dân tộc Mông, Sua đã biết làm các món ăn đặc sản của các vùng miền để đón khách.

Phục tinh thần khởi nghiệp của A Chu bao nhiêu, người trong bản lại phục tấm lòng yêu thương, đùm bọc của anh bấy nhiêu. Khách đến nhà A Chu đều rất ngạc nhiên, khi có 5 đứa trẻ rất chịu khó và chăm ngoan. Tuy nhiên, ít ai biết được, 5 đứa trẻ này đều có số phận và hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Bố mẹ chúng đi tù vì ma túy. Ở bản sống côi cút, chẳng ai nuôi. Chu đã xin bà con để đưa các cháu về nhà mình nuôi ăn ở và lo học hành và coi như con cái trong nhà.

Câu chuyện về cuộc đời lập nghiệp của Chu với tôi bị ngắt quãng liên tục bởi Chu liên tục phải nghe điện thoại trả lời email của khách, của các công ty lữ hành đặt chỗ… Chu cũng đã biết tận dụng triệt để lợi thế thế giới phẳng mang lại. Từ chỗ mơ mỗi ngày có một vài khách đến với mình, nay có ngày Chu đón cả trăm khách xuống dòng. Chu sinh ra và lớn lên tại bản Hua Tạt. Bản nằm ở nơi cao nhất cao nguyên Mộc Châu, quanh năm mát mẻ. Cũng giống như bao đứa trẻ người Mông khác, Chu sống trong cảnh nghèo khó, lam lũ. Ở nơi đây, những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm bố, làm mẹ. Chu có may mắn là người bố của mình là ông Tráng A Súa tham gia làm cán bộ xã. Ông Súa được đi nhiều nơi nên ông hiểu, muốn con cái thoát nghèo, thoát khổ chỉ có nước cho chúng học lấy cái chữ. Không phụ lòng mong mỏi của bố, Chu đã vượt qua mọi rào cản để thi đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau nhiều năm dùi mài trên giảng đường đại học, chàng trai Mông quyết định khoác balô về quê để lập nghiệp.

 Nhà có nương, có lũng, Chu đã làm quần quật gieo ngô, gieo lúa, nuôi lợn, thả gà và trồng su su để cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, bao nỗ lực cũng chỉ giúp gia đình Chu đủ ăn. Nông sản làm ra đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng khi bán giá quá bèo. Cả yến ngô không đổi nổi bát phở. Chiều chiều, ngồi bên sườn non nhìn núi, nhìn rừng mà Chu cảm thấy bất lực trước thực tại. Ở bản, do quá nghèo, quá khổ, không ít chàng trai đã đi buôn ma túy. Lợi lộc đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái bản này toàn nước mắt với đau thương. Chu đau lắm khi chứng kiến người họ hàng, bạn bè mình lần lượt rơi vào vòng lao lý. Hệ lụy là bao đứa trẻ mồ côi, bơ vơ không được ăn học.

Những ngày tháng lầm lũi của chàng trai người Mông được ăn học đến nơi đến chốn khi muốn mang sức lực về giúp quê nghèo cứ trôi dần trong vô vọng. Thế rồi cơ hội cũng bắt đầu mở ra khi quốc lộ 6 mới chạy qua, chia đôi bản Hua Tạt. Nơi xó rừng bỗng như được tiếp sức. Cảnh không điện, không đường nhanh chóng lùi vào quá vãng. Chu vui đến trào nước mắt khi nghĩ đến ý tưởng xây dựng mô hình homestay tại chính bản mình sẽ được thực hiện.

Nhưng, đúng lúc đang cần huy động nhiều vốn để xây dựng cái nhà sàn cho tươm tất, bố Chu lại đổ bệnh. Ông Súa bị bệnh phải chạy thận nhân tạo. Nhà vốn khó nay lại thêm phần gian nan vì chữa bệnh cho bố tốn rất nhiều tiền. Khó chồng khó, nhưng Chu vẫn quyết tâm làm.

“Đánh thức” cả bản nghèo

Sau nỗ lực vay mượn tiền khắp nơi, Chu đã dựng được một ngôi nhà sàn đẹp nhất bản Hua Tạt. Nhưng, khách đến thưa thớt. Có đợt cả tuần, Chu ngồi chơi xơi nước vì không đón được khách nào. Bà con người Mông bảo: “Thằng Chu “vác đá ngược núi” rồi. Ai thèm đến nơi khỉ ho cò gáy này. Mày cứ làm con trâu con bò trên nương cho lành”.

img

Tráng A Chu (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn khách du lịch nước ngoài tại nhà. Ảnh: X.T

Người nói ra, người nói vào. Đã có lúc, A Chu cảm thấy mệt mỏi vì những tư tưởng lạc hậu của những người xung quanh. Nhưng sau đó, Chu lại tự động viên mình, có thể họ chưa hiểu hết cái hay, cái đúng và đặc biệt là cái mới, nên họ mới phê phán này nọ. Không còn hơi sức để đi giải thích cho bà con hiểu, Chu  làm cái nhà cái cửa vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Cuối cùng, sự thành công trong việc đưa khách đến nhà mình ở của Chu đã khiến dân bản thay đổi suy nghĩ.

"Ngày trước bà con đốt nương, đốt rẫy phá rừng, giờ cùng nhau nổi khói, nhưng là ngành công nghiệp không khói. Nó là hướng phát triển bền vững mà tôi theo đuổi cho kỳ được”.

Tráng A Chu

Những ngày đầu du khách đến bản, họ thích sang thăm bà con lối xóm của Chu để tìm hiểu phong tục, ai cũng tỏ thái độ không muốn tiếp. Họ lo người ngoài vào nhà sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Có người còn nói thẳng với A Chu: “Mày ăn cơm thiên hạ nhiều rồi, nhưng đừng làm mất mặt cái bản này. Tao không thích người ngoài vào đâu nhé…”

 Những ánh mắt không thiện cảm khi gặp người lạ đến bản khiến công việc của Chu gặp khó. Nhưng dần dà, từ giải thích đến “mắt thấy tai nghe”, những thành quả của Chu đã làm thay đổi nhận thức của bà con người Mông ở Hua Tạt. Nhiều người khác trong bản nhận thấy, thu nhập của A Chu cao gấp mấy chục lần cày trên nương, trên rẫy. Không những thế, khách đến còn mua nông sản của chính những người dân trong bản ngày càng nhiều, tăng thu nhập cho cả bản chứ không riêng gì gia đình Chu.

Rồi Tráng A  Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã đến nhà nhờ Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Chẳng mấy chốc cái bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó này đã xây dựng được 5 mô hình homestay. Mỗi mô hình thành lập là sẽ có thêm một gia đình đã mạnh dạn thay đổi tư duy và cách làm trước đây. Từ việc nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, cách tiếp khách… đều dần theo hướng chuyên nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem