Về xã Quảng Thành hỏi nhà ông Vũ Văn Nghĩa ít người biết, nhưng hỏi Cơ sở sản xuất hạt điều Nghĩa thì ai cũng rành.
Hết điều… rồi tiêu
Rời quân ngũ tháng 4.1986 thì 4 tháng sau ông Nghĩa từ Ninh Bình khăn gói “Nam tiến” lập nghiệp. Chân ướt, chân ráo vào đến đất Quảng Thành, vợ chồng ông Nghĩa đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Sau thời gian cày thuê, cuốc mướn, ông Nghĩa xin vào làm công nhân Nông trường Cà phê Châu Thành (Đồng Nai) - đơn vị có đất trên địa bàn xã Quảng Thành. Không lâu sau, ông Nghĩa được cất nhắc lên phụ trách phân trường.
Ông Vũ Văn Nghĩa kiểm tra hạt điều thành phẩm. Ảnh: T.Đ
Năm 1990, nông trường giải thể, ông Nghĩa quay về với nghề làm mướn khắp nơi. Thấy cảnh làm thuê tương lai xám xịt, ông Nghĩa đánh bạo vay 13 chỉ vàng mua mảnh đất 7.500m2 để trồng điều với lãi suất “cắt cổ”, mỗi năm cứ 10 chỉ vàng trả lãi 5 chỉ. Tuy nhiên, đến khi vườn điều cho trái thì cũng là lúc giá hạt điều rớt thê thảm. Để trả cả gốc và lãi vay, ông Nghĩa phải bán cả nhà và đất vườn và lại về cảnh trắng tay. “Cái số mình sao lao đao, lận đận quá!” - ông Nghĩa bồi hồi nhớ lại.
Làm thuê được một thời gian, ông Nghĩa lại nuôi ước mơ đổi đời bằng cách vay vàng mua 2,3ha đất trồng điều. Giá hạt điều lại trồi sụt. Ông bực quá chặt hết rồi trồng tiêu. Và cây tiêu chính là cây trồng không chỉ giúp ông trả được vàng vay mà còn trở nên giàu có. “Nhưng chính hạt điều mới khiến nhiều người biết đến tôi” - ông Nghĩa bật mí.
Lỗ cũng gắng làm vì công nhân
"Tôi không dám nói rằng mình có công giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình tạo việc làm cho mình và cho bà con trong xã”.
Ông Vũ Văn Nghĩa
|
Năm 2008, ông Nghĩa dựng xưởng, mua máy móc, gọi nhân công làm gia công cho một công ty sản xuất hạt điều. Trong khi nhiều cơ sở gia công khác làm theo mô hình công ty trả lương cho công nhân thì ông Nghĩa xin khoán trả lương, thưởng cho công nhân. Lúc ấy, cơ sở của ông có đến gần 150 công nhân. “Có thể lương tôi trả cho công nhân thấp hơn chỗ khác đôi chút, nhưng tôi đảm bảo không bao giờ hết việc cho công nhân, dù thời điểm đó tôi đang sản xuất lỗ” - ông Nghĩa cho biết.
Ông Nghĩa chứng minh, năm 2011, trong khi ngành sản xuất hạt điều trong nước lỗ thê thảm, nhiều cơ sở, công ty phải ngừng sản xuất thì cơ sở của ông vẫn sản xuất đều đều. “Mỗi ngày tôi lỗ 2 triệu đồng, suốt mấy tháng liền cứ lỗ như thế nhưng cơ sở của tôi vẫn phải sản xuất, vì nếu ngừng sản xuất thì công nhân sẽ không có thu nhập nuôi gia đình” - ông Nghĩa thổ lộ.
Giờ ông Nghĩa không làm gia công cho công ty nữa mà chính thức sản xuất hạt điều và xuất khẩu trực tiếp. Hôm tôi đến ông cho biết vừa mua dây chuyền sản xuất hạt điều xuất khẩu khép kín với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Ngoài 80 công nhân chính thức, ông còn hơn 100 hộ nhận hàng về nhà làm gia công. Nếu lương công nhân chính thức từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng thì những người làm gia công có thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nghĩa cũng vừa xây xong 6 phòng trọ cho công nhân ở miễn phí. Cũng theo ông Nghĩa, mỗi năm cơ sở của ông thu mua khoảng 1.000 tấn hạt điều thô của các nhà vườn trên địa bàn huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.