Tranh cãi đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận

Tào Nga Thứ ba, ngày 25/07/2023 16:13 PM (GMT+7)
Một giáo viên đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận vì học sinh trình bày cảm nhận, nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm, năng lực của mỗi cá nhân chứ không chỉ nhớ mỗi số liệu.
Bình luận 0

Đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận gây tranh cãi

Năm 2025 là thời điểm khóa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT ban hành có nhiều điểm mới, trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc.

Mới đây, một giáo viên dạy Lịch sử ở Khánh Hòa đã đưa ra đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận. Nội dung được tóm tắt như sau: "Là giáo viên có 37 năm giảng dạy môn Lịch sử ở trường THCS, tôi cho rằng, cần phải thay đổi cách ra đề kiểm tra môn Lịch sử hiện nay để phù hợp với đặc trưng bộ môn, tình hình thực tế cuộc sống. Chính cách kiểm tra với hình thức trắc nghiệm như hiện nay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT dẫn đến cách dạy của thầy cô cũng nhằm mục đích cho kiểm tra thiên về nhớ số liệu, ngày tháng.

Để thay đổi cách dạy học từ lối truyền thụ kiến thức sang dạy học phát huy phẩm chất năng lực học thì cần phải thay đổi từ cách ra đề kiểm tra, thi.

Tranh cãi gay gắt đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận  - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Với môn Lịch sử, hình thức ra đề nên là tự luận thay vì trắc nghiệm, vì lịch sử suy cho cùng là câu chuyện kể về quá khứ vì vậy cần để học sinh trình bày cảm nhận, nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm, năng lực của mỗi cá nhân về một sự kiện, nhân vật, nhận định, giai đoạn, thời kỳ lịch sử...

Chính cách kiểm tra với hình thức trắc nghiệm như hiện nay trong kì thi tốt nghiệp THPT dẫn đến cách dạy của thầy cô cũng nhằm mục đích cho kiểm tra thiên về nhớ số liệu, ngày tháng".

Ý kiến này gây ra nhiều tranh luận trong dư luận. Có ý kiến cho rằng hình thức thi trắc nghiệm hiện nay là hoàn toàn phù hợp, tránh gây nỗi sợ, nỗi ám ảnh cho học sinh và khiến các em không còn dám đăng ký thi môn này nữa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình cho rằng, môn Lịch sử cần thi theo tự luận bởi lịch sử không chỉ là con số mà là sự thấu cảm. 

Bên cạnh đó, cũng có người nêu quan điểm: "Dẫu biết sai thì sửa, lệch thì kê nhưng vẫn thấy không hài lòng về sự thay đổi xoành xoạch. Không thể có phương án vạn năng nhưng trong vô vàn cách chọn thì nên chọn cách tối ưu nhất để tính bền vững. Phủ bỏ sạch trơn tự luận, sau 5 năm nhìn lại nghĩ nên quay về điểm đã từ bỏ... cũng khó nói nên lời".

Trắc nghiệm hay tự luận trong đề thi môn Lịch sử?

Trước tranh cãi này, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa cho rằng nên kết hợp hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, tỉ lệ có thể là 60/40 hoặc 70/30. 

Phần trắc nghiệm (chiếm 60 hoặc 70%) dùng kiểm tra kiến thức cơ bản, dành cho xét tốt nghiệp là chủ yếu. Phần tự luận (chiếm 30-40%) dùng kiểm tra kiến thức nâng cao, kỹ năng phân tích, suy luận, đánh giá các vấn đề lịch sử. Sử dụng chủ yếu để xét tuyển đại học. Ngay cả các kỳ thi học sinh giỏi cũng nên sử dụng phương án kết hợp này. Tất nhiên sẽ có những khó khăn ở khâu ra đề, chấm thi, nhưng việc này rất cần thiết. Có thể tham khảo phương án tổ chức riêng. Với thí sinh chỉ cần tốt nghiệp thì thi trắc nghiệm hoàn toàn, thí sinh xét tuyển đại học thì làm thêm câu tự luận để phân hóa. 

Mọi phương án sẽ có ưu, nhược điểm riêng, nhưng thi trắc nghiệm hoàn toàn là không hợp lý.

Cũng theo thầy Hiển, về thời gian áp dụng phương án thi thì năm 2024 vẫn giữ nguyên, nhưng từ năm 2025 sẽ thay đổi theo hướng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Do vậy, ngay từ năm 2025 sẽ có sự thay đổi. 

"Vấn đề là nội dung thi thay đổi thì có thay đổi hình thức hay không? Tất nhiên, đại đa số giáo viên và học sinh sẽ không muốn thay đổi bởi đã quen với hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn, nhưng thay đổi nếu phù hợp và có lợi thì nên làm, chưa thay đổi được ngay thì điều chỉnh dần", thầy Hiển cho hay.

Còn theo Tiến sĩ Trần Thanh Thủy, Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị: "Theo tôi nên giữ ổn định hình thức thi trắc nghiệm như hiện tại. Không nên thay đổi luôn đề thi vì cần có thêm thời gian để giáo viên và học sinh nắm bắt cặn kẽ chương trình mới. Hạn chế thay đổi quá nhiều trong một thời gian ngắn. Cách ra đề môn Lịch sử hiện nay đang đi đúng hướng. 

Trong tương lai có thể đề ra theo hình thức trắc nghiệm (tỉ lệ 70%) và tự luận (30%) là phù hợp. Lúc đó sẽ phải huy động giám khảo chấm thi phần tự luận. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cần có lộ trình, thông báo sớm khoảng 2 năm để tránh gây sốc cho học sinh".

Chia sẻ thêm về cách dạy môn Lịch sử hiện nay, Tiến sĩ Thủy cho biết: "Tránh yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc quá nhiều các sự kiện lịch sử. Tuy vậy, những sự kiện đặc biệt quan trọng thì phải nắm vững, tránh tình trạng lẫn lộn thời gian, nội dung sự kiện".

TS Ngô Thị Lan Hương, Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nêu quan điểm: "Đây mới là đề xuất, không phải là quyết định của Bộ GDĐT nên học sinh không nên hoang mang.

Theo tôi, vẫn nên có một tỉ lệ nhất định tự luận trong đề thi. Thật là quan ngại khi nhiều học sinh không thể trình bày một câu văn về lịch sử đầy đủ chứ chưa nói đến trình bày một câu hỏi về lịch sử như thế nào".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem