Không nhường ghế cho người già có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng. (ảnh minh họa: L.Phong/Người lao động).
Mới đây, Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa ban hành Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Dự thảo được lấy ý kiến góp ý trong hai tháng, từ ngày 16/3.
Trong dự thảo, có quy định cả xử phạt đối với những người không ưu tiên bán vé cho người cao tuổi; không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người cao tuổi… Mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Sau khi dự thảo được đưa ra, dư luận đã có những phản ứng trái chiều. Người đồng tình, người chưa ủng hộ cũng như nêu nên những bất cập còn tồn tại của dự thảo.
Thành viên Lam Cuong bình luận: “Sao lại là chế tài, trong khi đây là hành động hoàn toàn tự nguyện. Các nước khác họ đi từ giáo dục gốc để mọi người tự nguyện đối xử với nhau chứ không phải phạt như vậy”.
Thành viên Nhatminh21 chia sẻ: “Phạt là điều dĩ nhiên khi không còn cách làm gì hơn, nhưng sao không biết tuyên truyền để nhận thức người dân tốt hơn? Đó mới làm nên giá trị vĩnh viễn khi muốn đất nước phát triển chứ không phải là chuyển phạt tiền này nọ”.
Thành viên Thúy tỏ vẻ lo lắng: “Vụ này quy định không khéo sẽ có kẻ trục lợi. Ví như ngoài đường có nhiều người ăn xin là người già trẻ con và người tàn tật. Nếu họ muốn đi nhờ xe miễn phí thì sao. Họ xin tiền không cho có bị cho là không giúp đỡ và bị phạt không?
Rồi người bao nhiêu tuổi phải nhường chỗ cho người già. Người ta đang tuổi thanh niên nhưng có bệnh trong người thì sao? Ai sẽ đứng ra xử phạt và thu tiền phạt?... Ý thức xã hội thì phải bắt đầu từ tuyên truyền, giáo dục chứ không thể cứ phạt là giải quyết được vấn đề”.
Thành viên Dangly bình luận: “Luật này thì rất nhân văn nhưng đừng đánh trống bỏ dùi như luật phạt “hút thuốc nơi công cộng”. Đã ra luật thì phải làm nghiêm mới có tác dụng, còn kiểu ra luật thật nhiều nhưng không có lực lượng xử phạt thì người dân cũng chả quan tâm”.
Chiều 2/4, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) cho biết, dự thảo này đưa ra nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Nghị định số 144 tháng 10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em. .
Việc xử phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng đối với những người không ưu tiên bán vé cho người cao tuổi; không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người cao tuổi, vị đại diện nói: “Xuất phát từ đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thấy một người già khi lên xe, mình phải nhường chứ. Không nhường thì mình đưa vào quy định xử phạt. Mục đích của quy định xử phạt hành chính hướng tới mục đích là răn đe và mang tính giáo dục”.
Vị đại diện cho biết thêm, hiện dự thảo đang đưa ra để lấy ý kiến phản hồi dư luận. Sau đó, cơ quan chủ trì sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp. Và khi ban hành xong, cơ quan chuyên môn sẽ có tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ thanh tra, xử phạt chứ không phải nhất nhất theo từng câu chữ trong dự thảo.
Cấm người có bệnh sinh dục, ngực lép lái tàu; Ngực lép không được lái; Cấm bán rượu bia sau 22 giờ… là những dự...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.