Tránh xa cơ sở kinh doanh lúa giống ở Cần Thơ 3 tháng vi phạm 2 lần

Khánh Nguyên (TH) Thứ năm, ngày 07/06/2018 06:30 AM (GMT+7)
Tiếp tục đợt thanh, kiểm tra đột xuất tại TP.Cần Thơ, Thanh tra Bộ NNPTNT lại phát hiện một số cơ sở, đại lý kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng có dấu hiệu sai phạm như: Hưng Phát, Đạt Nông, Bá Khem… Cá biệt, cơ sở Hưng Phát vừa phát hiện sai phạm hồi tháng 3, giờ lại tiếp tục tái phạm.
Bình luận 0

3 tháng vi phạm 2 lần

Thực hiện Quyết định thanh tra số 253/QĐ-TTr của Thanh tra Bộ NNPTNT về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng ở một số tỉnh, thành phía Nam, sau Đồng Tháp, đoàn tiếp tục kiểm tra tại Cần Thơ.

Theo đó, trong hai ngày 31/5 và 1/6, Đoàn liên ngành gồm Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86 -Bộ Công an), Cục Trồng trọt- Bộ NNPTNT phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố Cần Thơ đã tiến hành thanh, kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống tại địa phương. Kết quả đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống có dấu hiệu sai phạm.

img

Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở vi phạm. Ảnh: IT.

Các sai phạm chủ yếu mà các cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống thường hay mắc phải là: ghi sai nhãn mác, lúa thương phẩm và lúa giống để lẫn lộn.

Đơn cử như tại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Hưng Phát (huyện Thới Lai), đoàn kiểm tra phát hiện hai loại lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP “có vấn đề”. Tuy tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã in loại bao bì mới với dòng chữ “lúa lương thực chất lượng cao” bao bì không khác gì bao lúa giống nhưng đại diện cơ sở này cho rằng đó là lúa lương thực.

Trong khi vào tháng 3.2018, cơ sở Hưng Phát đã từng bị Công an Kinh tế và Thanh tra Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất 2 giống lúa nói trên, sau đó cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm và kết quả 2 giống lúa HP.ĐT8 và N.H 9-HP của Hưng Phát không đạt tiêu chuẩn về lúa giống.

Tuy nhiên, cơ sở này không đồng ý với kết quả đó và yêu cầu kiểm nghiệm lại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả và lô hàng này hiện vẫn đang bị cơ quan chức năng niêm phong tại kho của cơ sở Hưng Phát.

Đoàn liên ngành cũng đã lấy mẫu các loại giống lúa do cơ sở này đóng bao, trong đó có cả hai sản phẩm “lúa lương thực chất lượng cao” HP.ĐT8 và N.H 9-HP để kiểm nghiệm chất lượng.

Kiểm tra hoạt động của cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống Đạt Nông và Bá Khem tại quận Thốt Nốt, đoàn ghi nhận có hàng trăm tấn lúa nguyên liệu chưa đóng bao như OM 9582, IR 50404…, và một số loại khác.

Các cơ sở trên mắc phải những sai phạm như: nhà kho chứa lẫn lộn lúa thịt và lúa giống, quy trình kiểm tra chất lượng lỏng lẻo, tại thời điểm kiểm tra đã không xuất trình được một số giấy tờ liên quan đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa giống theo Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT ban hành ngày 15/12/2015 của Bộ NNPTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng…sản xuất và đóng bao lúa giống chưa đáp ứng các tiêu chí về sản xuất kinh doanh cây giống. 

img

Một sản phẩm lúa giống bị làm giả. Ảnh: IT.

Thực tế kiểm tra cho thấy, trên vỏ bao lúa có hình ảnh và mẫu mã rất bắt mắt nhưng lại xuất hiện những chữ viết tay, in ngày tháng thủ công rất sơ sài như: hạn sử dụng, mã số lô mà thông thường các công ty giống phải in số hoặc in phun trên bao bì.

Chỉ 10 - 20% lúa giống được kiểm định

Những cơ sở này đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lúa giống, có lò sấy, máy đóng bao rất chuyên nghiệp. Trong khi Đoàn kiểm tra chất vấn, đại diện cơ sở Hưng Phát hầu như không lý giải được tại sao lại có những tên lúa lạ như HP.ĐT8 hay N.H 9-HP và không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thật của những bao lúa này.

Hiện nay ở ĐBSCL chỉ có 10-20% sản lượng lúa giống được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường. Một Cty kinh doanh lúa giống chất lượng cao tại An Giang nhận định, hiện nay ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh có phòng kiểm nghiệm, kiểm định lúa giống là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trong kiểm định, do không có phương tiện cũng như nhân lực nên các đơn vị SXKD giống phải tự thuê mướn những tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định. Chính vì còn ít trung tâm kiểm nghiệm nên việc quản lý chưa chặt chẽ.

Trong khi số cơ sở kinh doanh lúa giống quá nhiều, lúa giống kém chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Đơn cử riêng địa bàn An Giang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh lúa giống có uy tín, còn lại là hàng trăm cơ sở hoặc tổ hợp tác SX lúa giống làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” làm thị trường lúa giống bát nháo mỗi khi sắp vào vụ gieo sạ.

Trước thực trạng này, bà con nông dân cần tìm đến những cơ sở uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem