Sử dụng vốn thiết thực
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ cho 1.500 hộ dân được sử dụng công trình nước phân tán với tổng trị giá 9 tỷ đồng. Để các công trình nước sinh hoạt phát huy được hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các địa phương trong tỉnh xây dựng quy chế quản lý, vận hành chặt chẽ.
Ông Nguyễn Thành Thơm - Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành A cho biết: “Bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện, đặc biệt là đồng bào Khmer nghèo đã có ý thức hơn trong thói quen sinh hoạt và đời sống sản xuất. Các chương trình, dự án đầu tư trong vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống đã mang lại hiệu quả cao, góp phần đưa đời sống người dân Khmer nghèo ngày một phát triển”. Chỉ tay về con đường nối giữa ấp 4 và 5 dài 2,5km được xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 (giai đoạn II), chị Thị Kiển Tiên ngụ ấp 5 vui vẻ nói: “Từ khi có con lộ này, bà con ở đây không còn chịu cảnh lầy lội vào mùa mưa, lại dễ dàng vận chuyển nông sản. Mấy đứa nhỏ đi học thuận tiện hơn rất nhiều. Đồng bào dân tộc ở đây ai cũng phấn khởi vì Nhà nước rất quan tâm chăm lo đời sống của chúng tôi, từ những điều nhỏ nhặt”.
Tập trung chăm lo đời sống
Ông Võ Thành Tài – Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Mỹ cho hay: “Thụ hưởng Chương trình 135 trong giai đoạn 2009-2014, huyện đã thực hiện 28 tuyến lộ giao thông với tổng chiều dài 42.550m, bắc mới 3 cây cầu ở 11 ấp, với tổng số vốn thực hiện là 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện 12 mô hình với 425 hộ tham gia, kinh phí gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 253 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, tổng vốn 1,5 tỷ đồng. Huyện cũng đã cất được 26 căn nhà cho hộ dân tộc nghèo với kinh phí 1,2 tỷ đồng…”.
Toàn tỉnh Hậu Giang có tổng số 30 ấp đặc biệt khó khăn, thuộc 12 xã khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Tổng nguồn vốn T.Ư phân bổ cho tỉnh Hậu Giang từ năm 2009-2014 là hơn 60 tỷ đồng. Ông Ký Hiếu Thanh – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Qua triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đã có đất ở, nhà ở ổn định, có vốn và phương tiện sản xuất – kinh doanh, được học nghề, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, bà con còn được trợ giúp về pháp lý, giúp đỡ cho đồng bào hiểu biết về pháp luật, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật và bảo vệ được quyền lợi của bản thân…”. Vẫn theo ông Thanh, trong năm 2014, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phân bổ nguồn vốn cho Chương trình 135 là 7,6 tỷ đồng.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa, giúp đời sống bà con đồng bào DTTS ngày một ổn định” - ông Lê Văn Kha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần II
Ngày 22.9, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ II với sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho hơn 30.000 đồng bào DTTS trong tỉnh. Ông Đinh Văn Chung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, trước hết là phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng; phát huy tối đa nguồn lực của vùng đồng bào dân tộc, thực hiện tốt việc hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chúc Ly
Vui lòng nhập nội dung bình luận.