Nguyệt Tạ
Thứ sáu, ngày 03/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù Luật Trẻ em đã sớm được ban hành, có hiệu lực, công tác thanh tra, xử lý vi phạm bạo hành, xâm hại trẻ em được đốc thúc liên tục, nhưng các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn không vì thế mà giảm đi. Đó thực sự là những câu chuyện ám ảnh, những tiếng kêu cứu dài mãi không có lời đáp.
Sáng 2/7, tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết bệnh viện vừa tiến hành mổ cấp cứu bệnh nhi M.T.A (9 tuổi, ngụ quận 7) vì bị vết thương thủng tim.
Theo bà L.T.C (59 tuổi), bà ngoại bệnh nhi A, sáng cùng ngày, bà đang đi làm thì đứa cháu ngoại 5 tuổi chạy ra kêu: "Bà ngoại về lẹ lẹ vì "anh hai" (cháu A - PV) sắp chết".
Bà C chạy về nhà thì thấy cháu A máu đầy người. Bà hỏi tại sao A bị vậy thì đứa cháu 5 tuổi nói: "Anh hai bị mẹ đâm bằng kéo(!?)". Bà C và hàng xóm lập tức đưa cháu A đi cấp cứu. Theo thông tin từ bà C, con gái bà là M.T.T (31 tuổi) có 3 người con 9 tuổi, 5 tuổi và 1,5 tuổi, nhưng không có bố. Ngày nào chị T cũng đánh con, sai các con làm đủ thứ. Lo sợ bọn trẻ bị mẹ sai và đánh nên ngày nào bà C cũng phải dọn dẹp nhà cửa và kiếm tiền lo nuôi luôn các cháu.
Cuối tháng 6, mạng xã hội phát đi một video có cảnh người cha hờ đánh con riêng của vợ tại quận Tân Phú (TP.HCM). Cụ thể trong lúc say rượu, thấy người yêu dạy con, người đàn ông đã vào hùa đánh đập dã man cháu bé. Hắn đã dùng tay phải đánh vào đầu cháu làm cho cháu bé ngã xuống sàn nhà. Nạn nhân đứng lên thì tiếp tục bị gã đàn ông dùng tay trái siết cổ, đẩy vào tường rồi nhấc thẳng lên khỏi mặt đất và thả rơi tự do. Sau khi cháu bé té xuống, gã đàn ông lại dùng tay trái đánh thẳng vào đầu nạn nhân, đẩy đầu bé gái 4 tuổi vào tường nhiều lần. Cháu bé chỉ được bảo vệ khi có người dũng cảm quay lại clip và đăng lên mạng.
Qua xác minh của Công an quận Tân Phú, cháu H là con gái ruột của chị Chung Thị Ngọc (SN 1996). Người đàn ông liên tục thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại đến sức khoẻ cháu H là Lương Đức Thắng (SN 1985), bạn trai của Ngọc.
Liên tiếp trong các tháng 4, 5 và 6, hàng loạt vụ án bạo hành, xâm hại trẻ em cũng bị phát hiện, khởi tố. Đặc biệt, vào tháng 4/2020, một vụ việc đáng tiếc, gây ám ảnh cho nhiều người đã xảy ra. Bé gái 3 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) đã bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành dã man tới chết. Bé gái M.M (3 tuổi, trú phường Phương Liên, quận Đống Đa) được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện với nhiều thương tích trên người. Thấy dấu hiệu bạo hành nên bác sĩ đã trình báo sự việc với cơ quan công an. Theo kết quả pháp y mà gia đình nắm được, bé M.M bị lún xương sọ, tổn thương não và gãy xương hàm.
Không chỉ bị bạo hành, tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục cũng xảy ra liên tục. Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, từ 2015 đến ngày 30/6/2019: Toàn quốc đã phát hiện 8.091 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 79,4% tổng số trẻ em bị xâm hại). Như vậy, cứ mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây là con số rất đau lòng và đầy ám ảnh không chỉ đối những người làm luật mà còn là nỗi sợ hãi của tất thảy những người làm cha, làm mẹ mỗi ngày.
Những tiếng kêu cứu đầy ám ảnh
Câu chuyện buồn về bé M.M có lẽ cũng là câu chuyện ám ảnh nhất trong suốt cuộc đời làm công việc liên quan tới bảo vệ trẻ em của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTBXH.
Câu chuyện xảy ra đầu tháng 4/2020, khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Cái chết đó sẽ còn ám ảnh tôi, ám ảnh nhiều người trong chúng ta. Giọt nước mắt của bà ngoại, của những người xung quanh, của cư dân mạng thực sự đã trở thành những giọt nước mắt muộn màng để lại bao nỗi xót xa, day dứt" - ông Nam nói.
Ông Nam đã từng tiếc nuối, bởi giá như những người như bà ngoại cháu bé, người dân nơi cháu sống biết đến tổng đài 111 thì có lẽ cháu đã được cứu sống, đã thoát khỏi bạo hành.
Theo ông Nam, sau 2 năm chính thức công bố thành lập Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, công bố phần mềm chuyên dụng trên điện thoại bảo vệ trẻ em, những thống kê trong 6 tháng sử dụng mới có 68 trường hợp được báo cáo, được thông tin qua phần mềm hỗ trợ bảo vệ trẻ em này. Cũng mới chỉ có 12 tỉnh biết tới APP này, con số còn quá ít. Điều này khiến cho việc tiếp cận của người dân với các kênh thông tin này còn hạn chế.
"Rõ ràng đây là con số không vui, sự trăn trở với những người làm luật, làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em" - ông Nam nói.
Còn đối với ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH, trong suốt cuộc đời làm việc, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những vụ trẻ bị xâm hại luôn khiến ông day dứt, ám ảnh.
"Gần đây nhất là vụ việc ông giám đốc ngân hàng (ông Thủy) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, dâm ô em bé nhưng lại viện đủ lý do để trốn tội, đòi giảm án. Viện kiểm sát thì lần nữa, tòa án thì lờ tịt đi, cho tới khi cả cộng đồng, xã hội và những người đứng đầu Nhà nước phải lên tiếng thì mới xử. Vấn đề sau đó xử án treo, nhưng không có luật nào đề ra dâm ô trẻ em lại xử án treo. Lúc đó tôi đã phải phát biểu rất mạnh mẽ trên truyền hình là cần xử mạnh tay, và sau đó tòa án xử án 3 năm.
Một vụ khác là vụ em bé ở Hoàng Mai (Hà Nội), kẻ thủ ác xâm hại em bé tới 3 tháng liền, rồi dọa dẫm em bé khiến cho bà mẹ còn phải dẫn con chạy trốn. Khi công an vào xử lý thì đối tượng vỗ ngực kêu là cháu của Bộ trưởng Công an, đến công an cũng phải sợ... Đến mức Phó Thủ tướng đã phải vào cuộc chỉ đạo, đề nghị tước quyền điều tra của Công an quận Hoàng Mai, đề nghị bắt ngay kẻ xâm hại.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ khiến tôi cảm thấy rất ám ảnh. Những vụ việc đó khiến cho người dân bức xúc, coi thường pháp luật" - ông Nam bày tỏ.
Xử nghiêm minh hơn để làm gương
"Do người phạm tội xâm hại tình dục là người có ý thức tuân thủ pháp luật kém, có nhân cách lệch lạc, lối sống buông thả, khả năng tự chủ, kiểm soát bản thân kém nên đã xâm hại người khác nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân. Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền quy định của pháp luật (nhất là Luật Hình sự) đối với người phạm tội, thì cần xử phạt nghiêm minh để những kẻ phạm tội không tái phạm, tự giác nghiêm chỉnh chấp hành hình phạt. Điều này cũng góp phần cảnh cáo cho những công dân khác trong xã hội thấy pháp luật áp dụng được công minh, người phạm tội bị áp dụng sự trừng phạt nghiêm khắc sẽ tự giác tuân thủ pháp luật".
PGS-TS Dương Tuyết Miên - Phó Giám đốc Học viện Tòa án
Xâm hại trẻ em chủ yếu tại gia đình
"Mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại. Số vụ xâm hại trẻ em diễn ra ở nhiều nơi: Nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa và đối tượng xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng. Đặc biệt lưu ý là xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường gia đình (do người thân thích ruột thịt xâm hại); trong môi trường nhà trường, môi trường mạng...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.