Qua kết quả điều tra được thông tin trên báo chí, “mất tích” thường có mấy dạng sau đây: Phần lớn các em mất tích đang đi học nhưng phát triển sớm, đã qua tuổi dậy thì và bắt đầu biết yêu đương. Các em mất tích vì “trốn nhà theo trai”, chạy theo tiếng gọi của tình ái mà quên rằng mình chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi, chưa được phép sinh hoạt tình dục, càng không được phép chung sống như vợ chồng với con trai hay kết hôn.
Một số mất tích vì gia đình túng bấn, cùng quẫn về sinh kế. Các em tuy còn ít tuổi, còn non nớt, nhưng không chịu đựng nổi hoàn cảnh, cũng thương cha, thương mẹ nên muốn “tìm đường kiếm sống”, thành công thì có thể cứu cả gia đình.
Một số tuy con nhà khá giả, nhưng mất tích vì phẫn chí do cha mẹ tan vỡ, hận thù nhau, gia đình êm ấm bỗng thành bãi chiến trường hay chiến tranh lạnh trong từng bữa cơm, giấc ngủ. Các em ra đi để quên đời, hận bu thù bố, kiểu trẻ con. Một số vì chuyện học hành ở nhà trường gặp bê bối, lỡ trốn học đi chơi vài lần hoặc không theo nổi bạn bè trong học tập. Bỏ nhà ra đi là cách trốn học hay nhất theo suy nghĩ của các em, cũng là cách chạy trốn những lo âu sợ hãi học đường.
Một số ít do bị mẹ mìn hay bạn bè xấu, kể cả mẹ ruột hay chị ruột (như trong vụ án Cần Thơ) đưa bán hay xô vào cạm bẫy, địa ngục, mất cả một quãng đời hay cả cuộc đời. Số khác vì mất cảnh giác, dại dột hay ham tiền tiêu xài mà bị bọn du đãng hãm hại, mua trinh, đẩy vào cái đáy cuối cùng là “làm gái” nuôi thân và nuôi bọn bảo kê, chăn dắt.
Bi kịch của con người không kể xiết. Bi kịch của trẻ thơ do người lớn sơ suất, không dạy bảo hay do chính sự non dại của các em cũng không kể xiết. Hoàn cảnh nông thôn nghèo đói là một phần, bế tắc gia đình hay xã hội là một phần khác. Người đau đớn nhất trong chuyện mất tích của các em là cha mẹ và thầy cô. Và người chịu trách nhiệm trực tiếp trong bi kịch này cũng chính là họ mà thôi.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.