Dùng kỹ thuật "trẻ hóa" cây chôm chôm, vườn của ông nông dân ở Hậu Giang trái chín đỏ cành

Huỳnh Công Danh (TTKN Ngã Bảy) Thứ tư, ngày 27/07/2022 19:06 PM (GMT+7)
Để cây chôm chôm có năng suất cao, ông Võ Văn Hai đã thực hiện kỹ thuật đôn tàn trẻ hóa cây chôm chôm. Với 10 công đất trồng chôm chôm, năm nay ông Hai thu hoạch được khoảng 8 tấn trái, thu nhập đạt khoảng 64 triệu đồng.
Bình luận 0

Dùng kỹ thuật "trẻ hóa" cây chôm chôm, chồi đâm tua tủa

Dùng kỹ thuật "trẻ hóa" cây chôm chôm, vườn của ông nông dân ở Hậu Giang trái chín đỏ cành - Ảnh 1.

Mô hình trồng chôm chôm của gia đình ông Võ Văn Hai.

Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng hệ lụy của hạn mặn gay gắt từ mùa khô năm 2016 nên các nhà vườn trồng chôm chôm tại thành phố Ngã Bảy mấy năm liền đều canh tác khó khăn. Nông dân chưa kịp vui mừng vì vườn chôm chôm dần khôi phục sau khi bị nhiễm mặn thì tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Tuy nhiên bà con trồng chôm chôm vẫn tin tưởng đây là hướng đi an toàn trong sản xuất nông nghiệp

Không ai nhớ rõ cây chôm chôm đã xuất hiện trên vùng đất Ngã Bảy từ khi nào. Trước đây, cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá, giàu. 

Ông Võ Văn Hai, ấp Đông An, xã Đại Thành cho biết, khu vực này nhà nào cũng trồng chôm chôm hết. Những ngày này, cả một khu vực được “nhuộm đỏ” bởi màu của những vườn chôm chôm bước vào giai đoạn thu hoạch. Người mua, người bán tấp nập, ngược xuôi. 

Thế nhưng, những người nông dân nơi đây vẫn không giấu được sự lo lắng, bởi giá chôm chôm ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc thuê nhân công thu hoạch chôm chôm rất khó khăn, do nhiều thanh niên đã rời quê đi làm công nhân; có nơi phải thuê nhân công với giá 200.000 đồng/buổi. 

Với hơn 10 công đất trồng chôm chôm, ông Võ Văn Hai, ấp Đông An, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy đã có hơn 15 năm bén duyên với loại cây này. Vụ trái năm nay, vườn của ông khả năng sẽ thu hoạch khoảng 8 tấn trái. 

Với giá bán 8.000 đồng/kg như hiện nay đem về thu nhập khoảng 64 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí ông Hai còn lãi khoảng hơn 30 triệu đồng. Bí quyết để cây chôm chôm có năng suất cao, ông Hai đã thực hiện kỹ thuật đôn tàn trẻ hóa cây chôm chôm. 

Dùng kỹ thuật "trẻ hóa" cây chôm chôm, vườn của ông nông dân ở Hậu Giang trái chín đỏ cành - Ảnh 2.

Với giá bán 8.000 đồng/kg như hiện nay, ông Hai thu nhập khoảng 64 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí ông Hai còn lãi khoảng hơn 30 triệu đồng.

Ông Võ Văn Hai chia sẻ: “Cây cao quá trèo bẻ hơi khó thì đôn thấp xuống cho nó đâm chồi. Đôn thì phải bỏ 2 năm, năm thứ nhất, năm thứ 2, qua năm thứ 3 thì để cho trái lại. Đôn cắt ngang thì nó lên nhiều chồi lắm. Coi theo người ta chỉ, mấy người đi trước người ta cũng kêu là không nên để chồi nhiều, chồi nhiều thì kém phát triển nên phải tỉa bớt”.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, giá chôm chôm thường xuyên biến động theo chiều hướng giảm. Hiện tại, chôm chôm vào đợt thu hoạch rộ có giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg. Giá chôm chôm vụ thuận thấp nên nhiều nông dân đã chuyển sang xử lý cho trái vụ nghịch. 

Với quy mô 15 công đất vườn, anh Trần Thanh Đoàn quy hoạch 60% vườn trồng chôm chôm Thái, 40% trồng chôm chôm thường. Mặc dù năm nay vườn trái nhà anh Đoàn không được trúng mùa như những năm trước, tuy nhiên do anh để trái mùa nghịch nên cũng có lợi nhuận cao. 

Anh Trần Thanh Đoàn, ấp Đông An, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy tâm sự: “Ở đây thì nhà nào cũng trồng chôm chôm hết, giá cả năm nay cũng ổn hơn năm rồi. Hiện giờ bán sớm như chôm chôm Thái mình được 35.000 đồng/kg, thường thì 20.000 đồng/kg”.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Ngã Bảy có khoảng 300 ha diện tích trồng chôm chôm, tập trung nhiều ở xã Tân Thành, xã Đại Thành và một phần của phường Lái Hiếu. Loại cây trồng này được ngành nông nghiệp đánh giá là có triển vọng phát triển. 

Ông Lâm Văn Mal - Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Ngã Bảy thông tin: “Đến thời điểm hiện tại địa phương đã được cấp 4 mã vùng trồng chôm chôm, trong đó Tân Thành 3 mã vùng, ở Đại Thành 1 mã vùng. Hiện nay cơ quan chức năng cũng đang hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ, hằng năm đánh giá 1 lần theo vụ thu hoạch". 

"Đây cũng là bước ngoặt để hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của bà con được dễ dàng hơn. Việc được cấp mã vùng trồng cho cây chôm chôm trên địa bàn thành phố cũng giống như tạo một logo thương hiệu để dễ dàng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm” - ông Mal cho hay. 

Thời gian tới, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn sẽ có định hướng phát triển cây chôm chôm Thái, kể cả những loại cây trồng xu hướng hiện nay như mít Thái và sầu riêng, nhằm hạn chế những rủi ro khi người dân sản xuất tự phát, góp phần đưa các giống cây trồng chủ lực trở thành cây giảm nghèo, làm giàu bền vững tại địa phương.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem