Trẻ mới sinh được cấp số định danh cá nhân như thế nào?

Thứ năm, ngày 16/11/2017 08:14 AM (GMT+7)
Quá trình cấp số định danh cho trẻ thông qua đăng ký khai sinh được triển khai rất nhanh gọn, nhờ kết nối giữa Bộ Tư Pháp và Bộ Công an nên thời gian truyền dữ liệu và nhận số định danh chưa đến 1 phút.
Bình luận 0

Chiều 15-11, Báo Nhân dân phối hợp với Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức buổi tọa đàm về lộ trình thay đổi cách quản lý hộ khẩu. Nhiều vấn đề người dân thắc mắc sau khi Nghị quyết 112 của Chính phủ ban hành đã được giải đáp trong buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịnh, Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết từ đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai thí điểm cấp số định danh cá nhân thông qua đăng ký khai sinh.

Theo ông Khanh, Bộ Tư pháp bắt đầu triển khai thí điểm việc đăng ký khai sinh và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em sinh ra và đăng ký khai sinh từ 1-1-2016 tại 4 TP gồm: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. 

img

Ông Nguyễn Công Khanh cho biết công tác đăng ký khai sinh, cấp sổ định danh cá nhân thời gian qua triển khai rất tốt

Ông Khanh cho biết quá trình cấp giấy khai sinh, cấp mã số định danh cá nhân cho trẻ thời gian qua đã được triển khai rất tốt, rút ngắn thời gian cho người dân.

Cũng theo ông Khanh, để cấp một số định danh cho trẻ vừa sinh ra, cán bộ tư pháp ở các địa phương thí điểm sẽ ghi nhận thông tin về trường hợp các cháu bé. Sau đó thông tin sẽ được cập nhât chuyển lên Bộ Tư pháp và chuyển sang Bộ Công an để lấy số định danh cá nhân.

"Sau khi có số định danh rồi sẽ chuyển trở về cho cán bộ tư pháp tỉnh thông qua hệ thống đã kết nối sẵn, tất cả quá trình chuyển thông tin này chưa hết một phút, đã in xong giấy khai sinh cho trẻ rồi"- ông Khanh nhấn mạnh.

Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, cấu trúc 6 số đầu là: Mã thế kỷ sinh; Mã giới tính; Mã năm sinh của công dân; Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn 6 số sau là các số ngẫu nhiên của công dân.

Mã số định danh cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến suốt đời, không trùng lặp ở người khác.

Vị Cục trưởng cho biết thêm, hiện Bộ Tư pháp đã mở rộng ra 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và trực tiếp kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh nữa. 

Đại diện Bộ Tư pháp cũng thông tin, trong thời gian tới đây sẽ đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành phố có điều kiện yêu cầu cho sử dụng trước, khi có thông tin khai sinh của trẻ nằm trong hệ thống thì các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở mầm non… có thể trực tiếp kết nối khai sinh của Bộ Tư pháp thì sẽ tiện lợi cho các cháu trong việc học hành và sẽ không phải cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh.

"Kể cả các cơ quan bảo hiểm cấp bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí thì cũng có thể trực tiếp kết nối để cấp bảo hiểm"- ông Khanh nói.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân cho gần 1 triệu trẻ mới sinh. Mã số được ghi trên giấy khai sinh của trẻ.

Minh Chiến (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem