Tin từ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa lấy nội soi lấy dị vật trong âm đạo của bé gái 5 tuổi.
Bệnh nhân là bé N.H sinh năm 2018, trú tại Nam Định, được gia đình đưa vào BV Phụ sản Hà Nội khám trong tình trạng âm hộ viêm đỏ, âm đạo chảy dịch nâu, có mùi hôi.
Trước đó theo chẩn đoán của tuyến trước các bác sĩ phát hiện trong âm hộ bé có dị vật nên chuyển lên bệnh viện Phụ sản Hà Nội để xử lý.
Qua khai thác thông tin được biết, cháu bé ở cùng với bà, bố mẹ đi làm xa, khi bà tắm cho bé phát hiện âm hộ sưng nên đưa bé đi khám.
PGS.TS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ ngoại A5 cùng ekip đã tiến hành nội soi âm đạo gắp dị vật cho bé. Sau thủ thuật bệnh nhân ổn định.
PGS. TS Lê Thị Anh Đào cũng cho biết thêm trong thời gian gần đây Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp bé gái nhét không chỉ một dị vật và đồng thời nhiều dị vật vào vùng kín.
Đáng nói trường hợp này hay gặp ở những trẻ nhỏ sống xa cha mẹ, gần đây nhất một bé 5 tuổi nhét cả đầu bút, cánh tay rô bốt vào âm đạo khiến âm đạo có mùi, sưng tấy… và các bác sĩ cũng đã phải rất khéo léo để lấy dị vật ra.
Vì đặc thù âm đạo của trẻ rất bé lại chứa nhiều dị vật do đó phải những bác sĩ có kinh nghiệm và một số thiết bị chuyên dụng cho bệnh nhi mới thực hiện một cách an toàn.
"Phụ huynh khi chăm sóc vùng kín em bé cần vệ sinh hàng ngày, dạy bé không được đưa bất kỳ vật gì vào trong âm đạo.
Gia đình nên chú ý đến những vật nhỏ không để gần tầm tay trẻ, bé rất dễ nhét vào các lỗ tự nhiên như lỗ mũi, lỗ tai, lỗ âm đạo. Nếu phát hiện cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất, tránh gây hậu quả nghiêm trọng như viêm phần phụ ở trẻ em", PGS Đào khuyến cáo.
Trước đó, tại khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, khoa đã tiếp nhận nhiều bé bị hóc dị vật với nhiều lứa tuổi, đủ loại dị vật khác nhau và trong nhiều tình huống đa dạng.
Có bé 14 tháng tuổi bị hóc xương lợn vào phế quản khi vừa ăn vừa chơi; Có bé 3 tuổi bị hóc hạt bí do tự nhằn hạt bí mà cha mẹ không để ý. Có bé 2 tuổi bị hóc hạt hướng dương, có bé lại ăn phải viên đạn nhựa, có bé bị hóc dị vật là mảnh nhựa của đồ chơi khi cầm đồ chơi gặm nhấm.
Ngoài ra, còn không ít trẻ lớn 7-10 tuổi bị hóc dị vật khi đang chơi đùa, học tập. Nhiều trước hợp hóc đầu bút bi khi vừa học vừa cắn bút...
Bác sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp, do trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá.
Hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nhiều trò chơi nên dễ bất cẩn.
Dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.
"Trẻ bị hóc dị vật rất nguy hiểm khi bị dị vật bít kín đường thở, nếu không lấy ra kịp thời có thể gây tử vong. Đối với các dị vật nhỏ nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản; viêm phổi; xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Do đó, khi cha mẹ khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn", bác sĩ Việt khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.