Trẻ viêm amidan đến mức nào thì nên đi cắt?

Diệu Linh (ghi) Chủ nhật, ngày 21/01/2024 06:40 AM (GMT+7)
Nhiều trẻ em thường xuyên viêm amidan, cha mẹ muốn đưa con đi cắt. Bác sĩ khuyên đừng vội vàng làm điều này.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Luân, khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, viêm amidan là một bệnh lành tính. 

Tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời và dứt điểm, viêm amidan có thể dẫn tới các biến chứng như viêm tấy áp xe quanh amidan, áp xe thành bên họng, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm hạch, viêm màng tim, viêm khớp, viêm thận, ngưng thở khi ngủ…
Bác sĩ Luân cho biết, amidan (amidan khẩu cái) là tổ chức lympho lớn nhất ở họng miệng thuộc hệ thống vòng bạch huyết Waldayer (bao gồm V.A, amidan vòi, amidan khẩu cái, amidan lưỡi). 

Trẻ viêm amidan đến mức nào thì nên đi cắt? - Ảnh 1.

Nếu không chữa trị kịp thời và dứt điểm, viêm amidan có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa shutterstock

Amidan có chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, khi đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại và xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại là xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử tạo thành các chấm mủ, giả mạc rất hôi bám trên bề mặt của amidan. 

Khi amidan bị viêm nhiều lần thành viêm mạn tính, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi. Lúc này, chính các ổ viêm nhiễm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm tái phát vùng họng miệng.

Dấu hiệu nhận biết viêm amidan mạn tính?

Bác sĩ Luân cho biết, các dấu hiệu viêm amidan mãn tính bao gồm: 

Khô họng, hơi thở có mùi: Do các vi khuẩn tích tụ trong các khe hốc amidan và các dịch mủ tồn đọng gây tắc nghẽn và thường đi kèm với một số triệu chứng như khô họng, ngứa họng, nuốt vướng, hơi thở thường xuyên hôi mặc dù đã vệ sinh răng miệng tốt.

Amidan quá phát: Thường gặp ở trẻ em và có một số triệu chứng như nuốt vướng, khó nuốt, thở khò khè hoặc ngủ ngáy to. Nếu amidan phì đại quá mức có thể gây ra các biến chứng tắc nghẽn như cơn ngừng thở khi ngủ, thay đổi cấu trúc sọ mặt và thay đổi tiếng nói (giọng mũi nghẹt).

Biểu hiện toàn thân: Amidan và niêm mạc thành họng, vòm miệng có hiện tượng xung huyết, trên bề mặt thấy những chấm mủ trắng hoặc vàng. Bệnh nhân có sốt nóng trong những đợt viêm cấp, sưng hạch bạch huyết vùng cổ, đặc biệt là hạch vùng dưới hàm sưng to, đỏ và đau. Số lượng tế bào bạch cầu trong máu tăng.

Phản ứng phụ gây hại toàn cơ thể: Khi bị viêm amidan, các chất dịch tiết ra và đi xuống dạ dày, từ đó các độc tố được hấp thụ và gây phản ứng phụ toàn thân như: sốt, khó tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, đau đầu và một số triệu chứng khác.

Viêm amidan đến mức nào thì nên đi cắt?

Không ít trường hợp phụ huynh khi thấy con bị viêm amidan vài lần liền đưa con đến bác sĩ để yêu cầu phẫu thuật cắt amidan. 

"Đây là quan niệm sai lầm", bác sĩ Luân khẳng định. 

Theo bác sĩ Luân, trên thực tế, chỉ định cắt amidan là rất hạn chế vì amidan có nhiều lợi ích đối với cơ thể trẻ em. Đa số các trường hợp viêm amidan thể nhẹ và không cần thiết phải cắt. 

Khi amidan bị viêm nhiễm nhiều, điều trị thuốc nội khoa ít hiệu quả, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể thì mới nên nghĩ đến phẫu thuật cắt bỏ. 

Người bệnh bị viêm amidan cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng tư vấn, điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết. 

Trẻ viêm amidan đến mức nào thì nên đi cắt? - Ảnh 2.

Để hạn chế tối đa biến chứng khi phẫu thuật cắt amidan, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để điều trị

Bác sĩ Luân cho biết, chỉ định cắt amidan được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Viêm amidan mạn tính tái phát (tần suất viêm trên 7 lần trong một năm, 5 lần trong 2 năm liên tiếp hoặc 3 lần trong 3 năm liên tiếp) mà phải dùng kháng sinh mới khỏi.

- Viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn đường thở, ngủ ngáy hoặc xuất hiện cơn ngừng thở khi ngủ.

- Viêm amidan gây nên những biến chứng tại chỗ như áp xe quanh amidan, áp xe thành bên họng, biến chứng gần như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phổi hoặc biến chứng xa như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận….

- Ngoài ra, cắt amidan còn được chỉ định khi nuốt vướng hoặc nghi ngờ khối u amidan hoặc mở đường vào cho các phẫu thuật khác. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem