Trên mâm cỗ ngày giỗ lính Hoàng Sa

Trần Đăng Thứ năm, ngày 11/02/2016 06:48 AM (GMT+7)
Có những thứ đang tồn tại trên đảo Lý Sơn nhưng không mang tính khả dụng mà nặng tính nhắc để mà nhớ. Những người trẻ tuổi, nếu không tìm hiểu lịch sử ra đời của những thứ này sẽ không hiểu lý do tồn tại của nó.
Bình luận 0

Bánh trên mâm cỗ

Ngày 9.4.2009, dòng họ Ðặng ở thôn Ðồng Hộ xã An Hải huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi làm lệ giỗ bất thường.  Khấn trong bữa giỗ, trưởng họ Ðặng xin phép tiên linh được mở chiếc rương của dòng tộc mà lẽ ra phải 10 năm nữa, tức năm 2019 mới được mở. Họ Ðặng quy định, cứ 20 năm mới được mở chiếc rương ấy ra một lần để xem các tài liệu có mối mọt gì không thì khắc phục ngay. Chiếc rương được mở ra lần gần nhất là năm 1999. Bên trong chiếc rương chứa một báu vật, đó là “tờ lệnh” điều binh phu ra trấn giữ Hoàng Sa hằng năm của triều đình nhà Nguyễn.

img

  Mâm cỗ giỗ lính Hoàng Sa bao giờ cũng có bánh ít.  Ảnh:  TRẦN ĐĂNG

Trên mâm cỗ hôm đó có những thứ bánh không phải để “ăn tráng miệng” sau bữa giỗ như tập quán ở quê mà chỉ để “cúng mấy ông lính Hoàng Sa”- theo cách giải thích của gia chủ. Vợ ông Ðặng Lên cùng các mẹ, các dì, kể cả các cô thiếu nữ ở làng Ðồng Hộ đã thức thâu đêm để làm các loại bánh ấy. “Thời mẹ tôi, bà tôi cũng đã thức qua đêm để gói bánh ít, làm bánh nổ, đổ bánh thuẫn, bánh in… như thế này.

Tôi nghĩ, thời xa xưa, lúc thanh niên ở đảo này ra bảo vệ Hoàng Sa, những người mẹ cũng đã thức như thế để gói bánh, làm lương khô cho con mang xuống tàu mà ăn dọc đường”- bà vợ ông Ðặng Lên kể. Nghe bà giải thích như thế, những người trẻ tuổi bỗng hiểu vì sao, trong điệp trùng các loại bánh “hàng hiệu” đang bày bán khắp nơi trên đảo Lý Sơn vẫn không thấy chúng xuất hiện trên mâm cỗ ngày giỗ lính Hoàng Sa mà lại tồn tại các thứ bánh “quê mùa” này.

Gìn giữ và trao truyền

Chẳng có “di chúc” nào của ông bà bắt những người phụ nữ Lý Sơn phải duy trì các loại bánh này cả. Họ gìn giữ một cách tự nguyện, có tính trao truyền, như muốn nhắc cho con cháu rằng, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Các loại bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in, nhất là bánh ít lá gai không phải là đặc sản của Lý Sơn mà được phổ biến hầu khắp các vùng quê của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khi du nhập vào Lý Sơn, các loại bánh này lại “trụ” luôn đến giờ. Trong khi ở nhiều làng quê khác, các loại bánh này cứ thưa dần, nhường “sân” cho bánh kẹo được chế biến từ các nhà máy hiện đại thì Lý Sơn vẫn duy trì.

Có lẽ, các loại bánh ấy không còn mang tính khả dụng mà nó chỉ làm chức năng là nhắc để con cháu nhớ. Những vị chỉ huy các con thuyền nan mang theo đội quân gìn giữ Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước hẳn là phải tính toán kỹ lương thảo cho chuyến hải hành dài ngày. Ði trên thuyền nan chật hẹp, hoặc không thể nấu do lắc lư vì sóng hoặc không dám nấu vì sợ hỏa hoạn, vậy nên các loại bánh kể trên trở thành thứ lương khô không thể tốt hơn.

Chẳng có “di chúc” nào của ông bà bắt những người phụ nữ Lý Sơn phải duy trì các loại bánh này cả. Họ gìn giữ một cách tự nguyện, có tính trao truyền, như muốn nhắc cho con cháu rằng, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã cất công gìn giữ. Mỗi loại bánh đều mang trong lòng mình sự thiêng liêng vì nó đã chứa một phần lịch sử giữ nước của ông bà mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem