Chiến công thầm lặng
Buổi họp mặt này không chỉ nhằm ôn lại truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của lực lượng vận tải chiến lược trên biển, mà còn là lời tri ân của quân dân cả nước, đặc biệt là Hải quân Nhân dân Việt Nam đối với những người đã có công mở đường và làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
|
Cựu chiến binh đoàn tàu không số tại ĐBSCL trong buổi họp mặt. |
Tham dự buổi họp mặt có 256 cựu chiến binh nguyên là cán bộ, hội viên Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, cán bộ, chiến sĩ các bến bãi, thân nhân gia đình liệt sĩ, Anh hùng LLVT của đoàn tàu không số và đại biểu các gia đình có công hiện đang cư ngụ tại ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã nêu bật truyền thống anh hùng và công lao to lớn của cán bộ, các chiến sĩ đoàn tàu không số trong 14 năm (1961 - 1975) đã chấp nhận mọi hy sinh gian khổ; quả cảm, mưu trí; sáng tạo ra nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo vượt qua các tầng lớp phòng thủ, phong tỏa của địch; vượt qua hàng chục cơn bão lớn vận chuyển trên 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men; hơn 80 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Các cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số trước mỗi chuyến đi đều dự lễ truy điệu sống đồng đội và chính mình. Sẵn sàng chấp nhận trở thành những người vô danh, không tên tuổi, quê quán, âm thầm thực hiện nhiệm vụ bí mật vì miền Nam thân yêu, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh mãi là hành trang, điểm tựa và là nguồn động lực to lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân hôm nay.
Ký ức hào hùng
Nửa thế kỷ đã đi qua, song ký ức hào hùng về một thời máu lửa vẫn còn hiện hữu trong lòng mỗi cựu chiến binh. Đại tá Nguyễn Đắc Thắng - Anh hùng LLVTND, Trưởng ban Liên lạc đoàn tàu không số khu vực ĐBSCL bùi ngùi nhớ lại: “Đối với tôi, người đồng đội không thể quên đó là đồng chí Nguyễn Chánh Tâm - Thuyền trưởng tàu 165.
Đồng chí Tâm cùng đi với chúng tôi 1 trong 9 chuyến vào Nam, nhưng do bị địch bao vây, bắn phá ác liệt, tàu không thể cập bến. Mặc dù đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu nhưng trước cuộc chiến không cân sức, đồng chí Tâm đã lệnh cho anh em phá hủy tàu bằng ngòi nổ giữa biển khơi, không để vũ khí rơi vào tay quân thù. Vì vậy, đồng chí và toàn bộ thủy thủ gồm 17 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên biển”.
Sau cuộc gặp mặt này, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức họp mặt tại 11 tỉnh, thành phố khác, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An-Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ban liên lạc đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ tổ chức họp mặt cấp nhà nước vào ngày 21.10.2011 tại Hải Phòng.
Bà Phạm Thị Thanh - cán bộ bến Cái Nước, Cà Mau nhớ lại: “Tuy đã 50 năm, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ từng đồng chí. Hồi đó, cứ đoàn tàu nào cập bến tôi đều ra rước từng đồng chí, chúng tôi và bà con luôn sát cánh bên các thủy thủ, bảo vệ tàu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Dịp này, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tặng kỷ niệm chương đường Hồ Chí Minh trên biển cho 1.747 cựu chiến binh đoàn tàu không số và cán bộ các bến Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre. Ngoài ra, tại buổi họp mặt Bộ Quốc phòng đã tặng 9 căn nhà tình nghĩa và 14 suất quà trị giá hơn 640 triệu đồng cho các cựu chiến binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Cần Thơ cũng đã tặng 10 căn nhà tình nghĩa và 45 sổ tiết kiệm trị giá 735 triệu đồng cho 55 cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển.
Quang Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.